Xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp"

01/02/2014 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với TAND, Hiến pháp sửa đổi xác định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp

 

Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC

 

Năm 2013, tình hình thế giới và trong nước diễn biến với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, sự điều hành kịp thời của Chính phủ với những giải pháp hợp lý, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; kinh tế có bước phục hồi; tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu; xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả nhất định; quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được bảo đảm; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực; văn hóa - xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước được cải thiện... 

 

Một trong những sự kiện quan trọng của đất nước là Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với tuyệt đại số phiếu tán thành tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2013). Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định bản chất Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; Hiến pháp sửa đổi thừa nhận, tôn trọng, đề cao và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Đối với Tòa án nhân dân, Hiến pháp sửa đổi xác định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân là một trụ cột trong bộ máy Nhà nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh vừa kế thừa những thành tựu của công cuộc xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân kể từ ngày thành lập đến nay, vừa là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nói chung, của hệ thống Tòa án nói riêng, nhằm đảm bảo Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp đã quy định.

 

Những điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh

 

Công cuộc xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân được bắt đầu kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Tòa án, ngày 13/9/1945. Đó cũng là mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án nhân dân. Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Tòa án, về mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức, đặc biệt là các di huấn của Người căn dặn cán bộ Tòa án, cùng với truyền thống vẻ vang gần 70 năm xây dựng, trưởng thành của hệ thống Tòa án nhân dân là nền tảng tư tưởng cách mạng, là chuẩn mực về bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác và tiêu chuẩn nghiệp vụ của Thẩm phán, công chức Tòa án. Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm tiêu chí hóa di huấn của Bác Hồ thành những việc làm cụ thể trong công tác xét xử và các hoạt động khác của đơn vị mình.

 

Công tác xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân đã và đang nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng địa phương qua các thời kỳ. Đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của công tác xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân. Do đó, toàn bộ nội dung về công tác xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân về tổ chức và đội ngũ Thẩm phán, công chức Tòa án phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng về xây dựng Đảng nói chung, về cải cách tư pháp nói riêng, mà trong đó đặc biệt chú trọng tới các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân.

 

Xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp

 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình bày báo cáo công tác TAND tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: TTXVN)

 

Công tác xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh trong những năm tới là sự kế thừa những thành tựu, kết quả của công tác xây dựng ngành Tòa án nhân dân qua các thời kỳ trước đây. Đặc biệt là, trong những năm gần đây, hoạt động của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản, đảm bảo cho việc tiếp tục thực hiện các giải pháp về xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh có tính khả thi cao. Những chuyển biến tích cực của hệ thống Tòa án nhân dân được thể hiện như sau:

 

Trung bình mỗi năm, toàn ngành phải thụ lý, giải quyết gần 400.000 vụ án các loại, nhưng không những các Tòa án vẫn đảm bảo về tiến độ giải quyết, khắc phục có hiệu quả việc để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, mà chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng ngày càng được nâng lên, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đều giảm hơn so với các năm trước. Một số khuyết điểm, thiếu sót trong công tác xét xử của những năm trước, như: các bản án tuyên không rõ ràng hay cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đã được khắc phục có hiệu quả. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực (năm 2013, đạt 63%, tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm gần đây). Cùng với việc làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các mặt công tác khác, như: hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; quản lý cán bộ; hợp tác quốc tế; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp... cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ. 

 

Nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn nữa của công tác tư pháp, Quốc hội có Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 “về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013” đã đưa ra một số yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể liên quan tới từng lĩnh vực hoạt động của Tòa án, như: trong công tác xét xử phải khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá hạn luật định. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, phấn đấu giảm hơn ít nhất 1% so với năm 2012, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác xét xử lưu động các vụ án hình sự; hạn chế tới mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật. Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo phạm các tội về kinh tế, tham nhũng. 

 

Chú trọng làm tốt công tác hoà giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án phải đúng pháp luật, rõ ràng và có tính khả thi; trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm phấn đấu giải quyết đạt trên 60% các đơn thuộc thẩm quyền; khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm; trong công tác thi hành án hình sự phải bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn đối với 100% người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đúng pháp luật; trong công tác xây dựng ngành phải thực hiện quyết liệt các giải pháp về tổ chức cán bộ để bổ sung cán bộ, Thẩm phán cho các đơn vị trong toàn ngành, nhất là các Tòa án nhân dân cấp huyện và các đơn vị có số lượng lớn các vụ án phải giải quyết. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức... Đây không chỉ là các chỉ tiêu, yêu cầu của riêng năm 2013, mà của cả năm 2014 và những năm tiếp theo.

 

Qua kết quả công tác năm 2013 của ngành Tòa án nhân dân cho thấy, trong năm 2013 về cơ bản ngành Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 37 đã đề ra, trong đó vượt mức một số chỉ tiêu. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành 100% các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 đòi hỏi hệ thống Tòa án nhân dân các cấp phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp thực sự có hiệu quả để khắc phục các khuyết điểm, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác. Quá trình này phải gắn với việc triển khai đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Đó là tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, với mô hình Tòa án 04 cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. 

 

Xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo và cán bộ, công chức TANDTC nhân dịp đến thăm và làm việc với TANDTC

 

Mục tiêu, định hướng các nhóm giải pháp tiếp tục xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh

 

Với các điều kiện thuân lợi nêu trên của hệ thống Tòa án nhân dân, đây chính là cơ hội "vàng" để Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự vững mạnh về tổ chức, trong sạch về đội ngũ Thẩm phán, công chức, viên chức Tòa án, để nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, xứng đáng với chức năng nhiệm vụ "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".

 

Để đạt mục tiêu vừa nêu, định hướng chỉ đạo các nhóm giải pháp về xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân như sau:

 

+ Định hướng về nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân, theo hướng: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, bổ sung phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật theo hướng các quy định của Pháp lệnh Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự sẽ đưa vào luật này; về nội dung của luật phải đảm bảo sự kế thừa của luật hiện hành, quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp sửa đổi về Tòa án nhân dân và khắc phục triệt để những bất cập của Luật mà thực tiễn đang vướng mắc cần tháo gỡ. Đối với cơ sở pháp lý về hoạt động của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, phải rà soát pháp luật tố tụng, để sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp sửa đổi về các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân, đặc biệt là những nội dung mới của các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân so với các nguyên tắc được quy định tại Hiến pháp năm 1992.

 

Nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân là đặc biệt quan trọng. Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp nhất thiết phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện theo đúng tiến độ chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

 

+ Định hướng về nhóm giải pháp xây dựng các Đề án.

 

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai xây dựng các Đề án liên quan tới tăng cường năng lực về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Đề án tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới; Đề án về tạo nguồn cán bộ cho các Tòa án vùng sâu, vùng xa; Đề án đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho ngành Tòa án nhân dân); về tăng cường làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong ngành (Đề án nâng cao năng lực và quy mô của Trường cán bộ Tòa án; Đề án thành lập Học viện Tòa án; Đề án về đào tạo chuyên gia đầu ngành về pháp luật và nghiệp vụ Tòa án; Chiến lược về công tác đào tạo của ngành Tòa án nhân dân đến năm 2020; đề xuất và được Bộ Chính trị quyết định giao cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chức năng đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức trong ngành, tiến tới đào tạo cử nhân chuyên ngành và đào tạo trên đại học); về tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, công chức (tổ chức và phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành với chủ đề xuyên suốt là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; ban hành Kế hoạch số 335/KH-TANDTC ngày 29/12/2011 về tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Tòa án nhân dân với chủ đề: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân”); về tăng cường kỷ luật công vụ, thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức (Công văn số 344/TANDTC-TCCB ngày 07/6/2010 về việc tăng cường kỷ luật công vụ và công tác xét xử; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân; Đề án về cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, Thẩm phán); về đẩy mạnh công tác thông tin – tuyên truyền (Đề án Kế hoạch phát triển Thông tin – Tuyên truyền ngành Tòa án nhân dân đến năm 2020); về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án (Đề án tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tòa án nhân dân  giai đoạn 2011-2015). 

 

Để nâng cao hiệu quả các mặt công tác mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, tại Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 03/01/2013 của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và  Chỉ thị số 01/2013/CT-CA ngày 05/02/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2013 của ngành Tòa án nhân dân, đã xác định 03 giải pháp cơ bản mang tính đột phá, đó là: (1) tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; (2) đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; (3) đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc liên quan đến Tòa án và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chức năng xây dựng các đề án để cụ thể hóa các giải pháp này, nhằm áp dụng thống nhất trong toàn ngành.

 

Nhóm giải pháp về xây dựng Đề án phải bám sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi để từng bước tạo chuyển biến tích cực của công tác xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân.

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác của hệ thống Tòa án nhân dân năm 2014

 

Từ thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong năm 2013 cho thấy, tình hình tội phạm, các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính còn diễn biến phức tạp với xu hướng gia tăng về số lượng. Đồng thời, với vị trí trung tâm trong cải cách tư pháp, là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo Hiến định, đang đặt ra cho Tòa án nhân dân các cấp nhiều nhiệm vụ rất nặng nề. Để triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, một số nhiệm vụ trọng tâm công tác của hệ thống Tòa án nhân dân trong năm 2014 được xác định như sau: 

 

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII về các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của ngành Tòa án nhân dân.

 

 2. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và tăng cường tranh tụng tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội. Tập trung làm tốt công tác hòa giải trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, tăng cường đối thoại trong công tác giải quyết vụ án hành chính và tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật và tình trạng các bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự; khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án hoặc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm, xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các tội phạm về tham nhũng.

 

Xây dựng cơ chế và thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại về tố tụng, đơn tố cáo cán bộ và đặc biệt là các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

 

Làm tốt công tác thi hành án hình sự của ngành Toà án nhân dân; đảm bảo việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, miễn giảm thi hành án phải đúng pháp luật.

 

Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai các nhiệm vụ mà Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đất đai (sửa đổi) giao cho ngành Tòa án thực hiện theo thẩm quyền.

 

3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp về tổ chức cán bộ để bổ sung cán bộ, Thẩm phán cho các đơn vị trong toàn ngành, nhất là các Tòa án nhân dân cấp huyện và các đơn vị có số lượng lớn các vụ án phải giải quyết. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ của ngành theo Thông báo kết luận số 116-TB/TW ngày 27/12/2012 của Bộ Chính trị. Làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án các cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Tòa án. Nghiên cứu triển khai đề án đào tạo nguồn cán bộ Tòa án là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa để bổ sung cán bộ cho Tòa án ở các địa phương này. 

 

4. Khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật, Pháp lệnh được giao chủ trì soạn thảo theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, nhất là Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các Dự án luật tố tụng phù hợp với với các quy định của Hiến pháp sửa đổi. Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Nghiên cứu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về việc phát triển án lệ theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

 5. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án. Cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành ở Tòa án các cấp theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm công tác đối với từng cấp Tòa án, từng bộ phận, cá nhân trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân” theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

 

Với bề dày truyền thống gần 70 năm xây dựng và trưởng thành; với quyết tâm chính trị cao của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, chúng ta tin tưởng rằng, bước sang năm mới 2014, hệ thống Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp sẽ có những bước tiến bộ mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với vị trí là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp và có vị trí trung tâm trong các cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

 

Trương Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

 

Câu đối

 

Dân nước trông mong, Chánh án vững vàng như thiết diện

Bác Hồ nhắc nhở, Pháp quyền sáng suốt tựa thần linh. 

 

GS.AHLĐ Vũ Khiêu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp"