Đó là phát biểu quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 của Bộ Tư pháp sáng nay 21/12.
Báo cáo công tác tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2021 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Thực hiện Phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” của Chính phủ, toàn ngành Tư pháp đã nỗ lực, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức công việc, bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế đã kịp thời ban hành, điều chỉnh hợp lý các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp; khắc phục các vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị, của người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng; nhiều hoạt động chuyển sang thực hiện trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục thuộc nhóm 3 cơ quan dẫn đầu.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, ngành Tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia tích cực, hiệu quả trong việc chuẩn bị Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác này. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng và hoàn thiện thể chế và tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế đã có nhiều đóng góp với hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp. Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tham mưu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 07 Luật, Nghị quyết. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 08 Luật để trình Quốc hội xem xét. Các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5510 văn bản đã được ban hành...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà Bộ Tư pháp và ngành tư pháp đã đạt được trong năm 2021.
Theo Thủ tướng, để đạt được thành quả như trên thì có 3 nguyên nhân cơ bản, đó là Bộ Tư pháp chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; toàn ngành đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số bất cập, hạn chế mà Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là chất lượng xây dựng văn bản còn những mặt hạn chế; tiến độ thực hiện công việc ở một số công việc còn chậm; đầu tư về nguồn lực chưa tương xứng với yêu cầu đột phá; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở một số nơi, một số lúc còn chưa đúng tầm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề thúc đẩy thực hiện các nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn cũng cao hơn về môi trường pháp lý.
Vì vậy, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp và các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế; thấm nhuần quan điểm của Đảng là phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm trong xây dựng và thực thi pháp luật. Mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp; phải lường hết tác động, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp khi xây dựng chính sách, pháp luật, vì mục tiêu cao quý cuối cùng của Đảng ta là vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, bám sát tình hình thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trên tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội, trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế.
Yêu cầu Bộ Tư pháp, ngành tư pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của cơ quan cấp trên, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới sáng tạo để xây dựng, hoàn thiện, phổ biến, thực thi, giám sát việc thực thi pháp luật.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động các cấp, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác tư pháp và các phong trào thi đua.