Nghề giúp việc gia đình trong tương lai (Bài 1): Thị trường đã hình thành?

Hoàng Dung| 20/12/2014 05:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước nhu cầu tìm người giúp việc không ngừng tăng lên hiện nay, thị trường lao động giúp việc đã hình thành, nhưng không dễ để tìm được một người giúp việc ưng ý và trên thực tế người giúp việc cũng đối mặt với nhiều rủi ro khi hành nghề.

Cung - cầu đều sôi động

Trong cuộc sống hiện đại, cùng với sự bình quyền, phụ nữ cũng như nam giới ngày càng phải đảm nhận nhiều hơn các công việc xã hội dẫn đến quỹ thời gian dành cho gia đình bị thu hẹp.

Ở nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, việc nội trợ, chăm sóc trẻ nhỏ, người già, người ốm nhiều khi trở nên khó khăn và quá sức với các thành viên trong gia đình, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động ngoài xã hội.

Chị Đinh Lan Anh, sống tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Trước kia, tôi chưa nghĩ bao giờ nghĩ đến việc cần thuê một ai đó về giúp mình thực hiện các công việc gia đình.

Tuy nhiên, kể từ khi sau sinh đứa nhỏ thứ hai, rồi được cơ quan cử đi học khiến tôi ngập trong công việc. Chồng tôi cũng bận, ông bà hai bên đều già yếu không thể giúp nhiều, nên chỉ một tuần vừa ngày đi làm, tối đi học lại phải chăm sóc con nhỏ, nấu nướng, quét dọn…khiến tôi quá mệt mỏi và kiệt sức. Vậy là tôi quyết định thay đổi suy nghĩ và tìm một người giúp việc để san sẻ công viêc nhà với mình”.

Chăm sóc người già là một trong những công việc quen thuộc của người giúp việc.

Chăm sóc người già là một trong những công việc quen thuộc của người giúp việc. 

Anh Nguyễn Xuân Ngọc, ở phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, lại đang rất cần người giúp việc để chăm sóc bố mẹ già tại nhà, anh Ngọc cho biết: “Tuy ở với vợ chồng tôi, nhưng chúng tôi đi làm suốt ngày, trước kia các việc nhà hầu như phải nhờ đến hai cụ. Tuy nhiên, gần đây cụ ông sức khỏe yếu, cụ bà phải vừa lo việc nhà vừa phải chăm sóc cụ ông rất vất vả, vậy nên tôi muốn tìm người giúp việc có kỹ năng chăm sóc người già để phụ giúp”.   

Trên thực tế, những người có nhu cầu cần người giúp việc để san sẻ, phụ giúp các công việc nhà như anh Ngọc, chị Lan Anh tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay không hề nhỏ.

Chính từ nhu cầu này mà số lượng người giúp việc không ngừng tăng lên và giúp việc gia đình thực sự đã trở thành một nghề trong thị trường lao động với sự sôi động ở cả cung và cầu.

Theo Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số lượng người giúp việc sẽ tăng từ 157 nghìn người năm 2008 lên 247 nghìn người năm 2015.

Đôi khi cung, cầu lệch nhau

Hiện tại với số lượng người giúp việc khá đông đảo trên thị trường lao động, các gia đình có nhu cầu không quá khó khăn để được một người giúp việc.

Thị trường lao động giúp việc cũng dần hình thành, khi xuất hiện một loạt trung tâm hay công ty chuyên môi giới, cung cấp người giúp việc. Tuy nhiên đối với nhiều gia đình chuyện tìm được một người giúp việc ưng ý không phải đơn giản.

Khi nhắc đến chuyện người giúp việc, chị Nguyễn Thị Thúy, ở phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn còn thấy mệt mỏi vì "chỉ gần 1 năm mà phải thay 4 người giúp việc ”. Chị cho biết: “Tôi không muốn thay đổi người giúp việc liên tục nhưng quả thật những người đến đều không được ưng ý.

Người thì quá chậm chạp, lại mắc tính hay quên hướng dẫn mãi cũng không sử dụng thành thạo các đồ dùng điện tử, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng…

Người thì quen lối sống ở nông thôn, sống dễ dãi, xuề xòa, ứng xử tùy tiện, thiếu tính chuyên nghiệp, trông trẻ con mà cứ thấp thỏm, nóng lòng muốn về nhà giải quyết chuyện gia đình, xin nghỉ 2 ngày mà nghỉ gần một tuần…

Nói tóm lại lý do cho nghỉ việc thì nhiều, nhưng chủ yếu là do họ “chưa thạo việc và quá tùy tiện”.

Không sử dụng hành thạo các đò dùng trong nhà như máy giặt là một trong những nguyên nhân làm người giúp việc bị mất việc

Không sử dụng thành thạo các đồ dùng trong nhà như máy giặt là một trong những nguyên nhân khiến người giúp việc bị mất việc

Nhiều gia đình khi có nhu cầu tìm người giúp việc thường ưu tiên cách lựa chọn đối tượng là họ hàng hay những người quen thân hoặc thông qua sự giới thiệu của các mối quan hệ tin cậy, nếu không được thì mới tìm đến các trung tâm và công ty chuyên môi giới người giúp việc.

Và tất nhiên khi phải nhờ đến các trung tâm và công ty môi giới thì mức độ rủi ro sẽ tăng lên và việc có lựa được người giúp việc ưng ý hay không là rất “hên xui”, điển hình như trường hợp của chị Thúy phải thay đến người giúp việc thứ tư thì mới tạm hài lòng.

Trên thực tế, nhiều gia đình ở thành phố có nhu cầu thuê người giúp việc, nhưng tỉ lệ gia đình có người làm ổn định không cao và sự đổ vỡ trong quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc không chỉ bắt nguồn từ lỗi của người giúp việc.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế thì người giúp việc phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa gồm: 20,2% bị mắng chửi; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục; 2,4% bị đánh đập, tát, đẩy ngã; 1,8% bị giữ lương; 2% không được cho về thăm nhà…

Tuy nhiên, nhiều người giúp việc cho rằng điều đáng sợ nhất của họ lại đến từ chính thái độ khinh miệt, coi thường của chủ nhà và xã hội đối với công việc mà họ mà họ đang làm.

Bà Nguyễn Thị Mừng, quê Hải Phòng, có tròn 10 năm làm nghề giúp việc gia đình cho biết: “Chúng tôi không ngại vất vả vì nghề này vất vả sao bằng làm nông nghiệp ở quê nhưng chúng tôi luôn sợ chủ nhà coi mình như “người ăn kẻ ở trong nhà” và có chút chạnh lòng khi nghe người đời gọi mình là “osin”. 

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề giúp việc gia đình trong tương lai (Bài 1): Thị trường đã hình thành?