Lao động nữ ở nước ngoài: Bảo vệ quyền của họ như thế nào?

30/10/2013 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài và ứng xử của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài".

Đó là chủ đề hội thảo do Bộ LĐTBXH vừa phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Cơ quan Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của LHQ (UN Women), Hiệp hội XKLĐ Việt Nam (VAMAS) vừa tổ chức. 

 

Lao động nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư 

 

Theo thông tin từ hội thảo, xu hướng di cư lao động trên thế giới bắt đầu tăng từ năm 1970 trở lại đây. Vào thời điểm trên, số lượng người di cư trên toàn thế giới là 80 triệu. Đến năm 2000, xu hướng này bắt đầu tăng cả cường độ và tốc độ, số lượng người di cư trên toàn thế giới tăng lên 180 triệu người và lên 214 triệu người vào năm 2010, chiếm 3,1% dân số toàn cầu. Trong đó, nữ giới chiếm 49% (khoảng 105 triệu người).

 

Việt Nam đang là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Hiện nay có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 2006, trung bình hàng năm có khoảng 70.000 đến 80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư.  Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy phụ nữ đi xuất khẩu lao động thường chịu nhiều thiệt thòi như bị lạm dụng tình dục, lương thấp, thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...  

 

Lao động nữ ở nước ngoài: Bảo vệ quyền của họ như thế nào?

Lao động nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư       Ảnh:TL

 

Trong quá trình di cư, phụ nữ thường thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị kẻ xấu lợi dụng trong việc buôn bán người. Mặt khác, đa số họ đều làm công việc có trình độ thấp, thiếu kỹ năng như: Giúp việc gia đình, lao động phổ thông... trong khi đó, các công việc này đều chưa được đưa vào Luật Lao động nên chưa có bất cứ quy định pháp luật nào mà người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm với người lao động trước pháp luật. Lao động nữ di cư trở thành đối tượng bị phân biệt, đối xử 3 lần ở các nước sở tại: Di cư, nữ, lao động.

 

Làm gì để bảo vệ lao động nữ?

 

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe nhiều báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm của đại diện các nước về các nội dung liên quan như: Hợp tác ASEAN về bảo vệ quyền lợi của lao động di cư; khung chính sách quy định vai trò của các doanh nghiệp tuyển dụng tư nhân ở Philippines; đưa lao động tới Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm; thực hành tốt về bảo vệ quyền của lao động di cư Thái Lan, Lào, Bangladesh…

 

Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, phần lớn lao động đi lao động ở nước ngoài đều thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở ngoài nước. Vì thế, hoạt động của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc ban hành luật và các quy định cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội lao động trong việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

 

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài của Thái Lan đặt vấn đề “Nên hay không nhân rộng mô hình cấm lao động nữ di cư làm công việc giúp việc nhà” và đề nghị UN Women có những can thiệp kịp thời nếu lao động nữ di cư bị bóc lột, lạm dụng. Thế nhưng, Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài của Việt Nam cho rằng không nên cấm phụ nữ di cư làm công việc trên, vì nhu cầu từ hai phía vẫn rất lớn, vấn đề đặt ra và cần giải quyết là cần phải đào tạo kiến thức, ngôn ngữ, pháp luật... cho người lao động di cư.

 

Giúp lao động nữ tự tin xuất khẩu lao động 

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó có lao động nữ rất quan trọng.

 

Với quan điểm nêu trên, tháng 12 năm 2009, Bộ đã giao Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với UN Women thực hiện Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giúp lao động nữ tạo niềm tin, tự tin xuất khẩu lao động. Ông Hòa cũng cho rằng: “Hội thảo là cơ hội để các bên có liên quan chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt trong hoạt động dịch vụ việc làm ở nước ngoài và đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài”.

 

Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết hiện nay gần 90% người lao động đi làm việc ở nước ngoài là thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vì vậy, các doanh nghiệp này đang đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của lao động nữ.

 

Hiện lao động nữ chiếm 30-35% số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương hơn nam giới, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn.

 

Đỗ Huyền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động nữ ở nước ngoài: Bảo vệ quyền của họ như thế nào?