Việt Nam có 18 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng

Thảo Nguyên| 05/06/2017 15:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng tại Việt Nam do Hội ghép tạng Việt Nam phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo GS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, ghép tạng là một trong những thành tựu lớn của nền y học. Đến nay, ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả đối với nhiều bệnh lý ở giai đoạn cuối, cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân.

Ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1952; đến nay, kỹ thuật ghép tạng đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Ghép tạng đã mang lại sự sống cho người bệnh với thời gian và chất lượng kéo dài trên 30 năm đối với ghép thận, trên 25 năm đối với ghép gan, trên 20 năm đối với ghép tim.

Việt Nam có 18 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân được ghép gan trong ca ghép tạng xuyên Việt

Vào ngày 4/6/1992, trường hợp ghép thận đầu tiên trên người ở Việt Nam được thực hiện thành công tại Học viện Quân y, đánh dấu "mốc son" trên bản đồ ghép tạng và khởi đầu một chuyên ngành mới ở Việt Nam - chuyên ngành ghép tạng.

Sau 25 năm, nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng. “Chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng", GS Quyết nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên ngành ghép tạng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là có nhân lực, kỹ thuật trong tay, nhưng nguồn tạng để ghép lại thiếu, chi phí thực hiện ghép tạng cao… Đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng hơn 1.500 ca ghép tạng được thực hiện. Con số đó là quá ít ỏi so với nhu cầu của người bệnh.

Theo các thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc…

Theo số liệu điều tra sơ bộ mới thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội với 4.143 người bệnh gan thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan. Như vậy, nhu cầu được ghép tạng là quá lớn, trong khi số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi. Đa phần các tạng được ghép đều là những ca ghép tạng cùng huyết thống, do chính anh, chị, em… trong gia đình người bệnh hiến tặng cho họ.

Để ngành ghép tạng tiếp tục phát triển hơn nữa, theo GS Đỗ Quyết, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh các loại hình ghép tạng truyền thống, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng; xây dựng quỹ hỗ trợ ghép tạng, duy trì, phát huy vai trò của Hội Ghép tạng Việt Nam để trao đổi, học tập, nâng cao trình độ của chuyên ngành trong thời gian tới.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có 18 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng