Vi khuẩn kháng thuốc đã có thuốc trị?

Thảo Nguyên(TH)| 27/11/2016 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thuốc kháng sinh là một công cụ chữa bệnh nhiễm khuẩn hữu hiệu, tuy nhiên tình trạng lạm dụng thuốc đã đặt con người trước nguy cơ kháng thuốc ngày càng trầm trọng.

Vi khuẩn kháng thuốc - thường được gọi là siêu khuẩn (superbug) - cực kỳ nguy hiểm vì không có đối thủ. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Anh đã mang lại hy vọng cho việc điều trị siêu khuẩn kháng thuốc.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology cho biết vi khuẩn ăn thịt, loại vi khuẩn ăn các vi khuẩn khác, có thể là vũ khí mới trong cuộc chiến chống superbug. Các thí nghiệm cho thấy một liều Bdellovibrio bacteriovorus hoạt động giống như “kháng sinh sống” giúp giải quyết một viêm nhiễm gây chết người.

Nghiên cứu trên đã được thực hiện trên động vật và chứng tỏ không gây tác dụng phụ, trong khi một số chuyên gia, trong đó có tiến sĩ Michael Chew thuộc cơ quan nghiên cứu y tế Wellcome Trust, cho rằng cách tiếp cận này hơi “bất thường” vì sử dụng vi khuẩn để loại bỏ nhau, nhưng hiển nhiên là một phương pháp không thể bỏ qua. Nỗi lo sợ “ngày tận thế kháng sinh” do đẳng cấp của các siêu khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng đã hối thúc các nhà khoa học nỗ lực đi sâu nghiên cứu các cách tiếp cận có thể.

Vi khuẩn kháng thuốc đã có thuốc trị?

Vi khuẩn ăn thịt Bdellovibrio là vũ khí mới để chống lại các siêu khuẩn kháng thuốc

Bdellovibrio là một loại vi khuẩn di chuyển nhanh, chúng chui vào bên trong một vi khuẩn khác nhai sạch “ruột gan” của vật chủ và nở to ra về kích thước. Sau khi ăn xong, Bdellovibrio sao chép và làm vi khuẩn bị ăn nổ tung.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London và Đại học Nottingham (Anh) đã thử dùng Bdellovibrio bacteriovorus để tiêu diệt một nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Siêu khuẩn Shigella, thông qua thực phẩm bị ô nhiễm, mỗi năm đã khiến cho 160 triệu người trên thế giới bị bệnh, trong đó hơn một triệu ca tử vong.

Các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm cho thấy một vi khuẩn ăn thịt đã khiến số lượng siêu khuẩn Shigella giảm đi 4.000 lần. Các thí nghiệm tiếp theo với ấu trùng cá cho thấy một liều chết chóc của siêu khuẩn dẫn đến chỉ còn 1/4 ấu trùng sống sót sau ba ngày, nhưng nếu sử dụng một liều vi khuẩn ăn thịt, tỷ lệ sống sót tăng lên đến 60%.

Tiến sĩ Serge Mostowy, giảng viên Đại học Imperial London (Anh), cho rằng chắc chắn đây là một cách tiếp cận sáng tạo, và ấn tượng nhất là “sự bất lực của các vi khuẩn bị ăn, chúng không thể kháng cự lại được”. Ông cũng cho biết, đây là một cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu sử dụng “kháng sinh sống” đối với động vật cũng như con người.

Các nhà nghiên cứu tin rằng Bdellovibrio có thể hữu ích hơn trong điều trị các vết thương nhiễm khuẩn, vì vi khuẩn ăn thịt này có thể được dễ dàng đưa vào vị trí cần giải quyết. Họ cũng nhận thấy cần thử nghiệm nhiều hơn trước khi sử dụng Bdellovibrio vào trị liệu, mặc dù bước đầu các nhà nghiên cứu nhận thấy vi khuẩn ăn thịt tương tác hữu hiệu với hệ thống miễn dịch của cá. Bdellovibrio cũng được dự báo có thể tiêu diệt một loạt các vi khuẩn như E. coli và Salmonella.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi khuẩn kháng thuốc đã có thuốc trị?