Tự tử ở tuổi vị thành niên: Chuyên gia, bác sỹ nói gì?

Huyền Phan| 04/01/2017 20:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sang chấn tâm lý, trầm cảm, không được quan tâm, chia sẻ đúng lúc... là những nguyên nhân chính dẫn đến nạn tự tử ở tuổi vị thành niên. Theo các chuyên gia mấu chốt của vấn đề là do ngành Tâm lý lâm sàng chưa thực sự được chú trọng.

Sự việc một nữ sinh 17 tuổi khóa trái cửa tìm đến cái chết vì chán nản cuộc sống gia đình khiến nhiều người bàng hoàng. Trước đó không lâu, một nam sinh lớp 8 ở Yên Bái vốn ngoan ngoãn, chăm học đã nghĩ quẩn sau khi bị tung clip quỳ gối, đánh hội đồng tràn lan trên mạng xã hội...  là một trong những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra với xu hướng ngày càng tăng gần đây. PV Báo điện tử Công lý đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ khi lý giải thực trạng này. 

Tâm lý học lâm sàng chưa được chú trọng 

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, hầu hết nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên là do trẻ bị sang chấn tâm lý. 

Sang chấn tâm lý được biết đến là một trong những căn bệnh của xã hội hiện đại. Nó không chỉ xuất hiện ở người trưởng thành bởi gánh nặng công việc, tiền bạc… mà còn ngay cả những đứa trẻ tuổi 14-15.

Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí 18001567 của Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại được gọi đến từ các em. Các tổng đài viên đã kịp thời chia sẻ, tư vấn khi các em bày tỏ suy nghĩ, ý muốn manh nha tự tử.  

Ông Đặng Hoa Nam cho hay: “Ở nước ta, lĩnh vực chữa trị Tâm bệnh vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Lĩnh vực này vẫn thuộc chức năng, nhiệm vụ của riêng ngành y tế trong khi hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên tương đối phức tạp. Đòi hỏi phải cần có sự kết hợp giữa nhiều ngành khác nhau từ y tế, giáo dục đến tâm lý học lâm sàng, tâm lý học xã hội…”.

Tự tử ở tuổi vị thành niên: Chuyên gia, bác sỹ nói gì?

 Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em - Ảnh: Hữu Lan 

Có thể nói, quá trình chữa trị cho bệnh nhân chỉ tập trung ở thể chất chỉ mới được… một nửa, ông Nam chia sẻ. Tại các bệnh viện nước ngoài, khoa cuối cùng người bệnh điều trị trước khi xuất viện là Khoa Tâm bệnh. Khi người bệnh đảm bảo khỏe mạnh đầy đủ về mặt thể chất, tâm lý, các bác sĩ mới xác nhận cho bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, ở nước ta ngành Tâm lý học lâm sàng chưa thực sự được chú trọng.

“Cụ thể, chúng ta chưa có chuyên ngành đào tạo Tâm lý học lâm sàng; dịch vụ chẩn đoán về mặt rối loạn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân từ già đến trẻ chưa được phát triển một cách bài bản, có hệ thống; chưa xây dựng được quy trình, tiêu chuẩn cụ thể về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân…”, ông Nam cho hay. Giống như phi công có quá trình tích lũy giờ bay, người công tác trong ngành tâm lý học trị liệu cũng cần được đào tạo bài bản, có thời gian thực hành đúc rút kinh nghiệm nhất định.

“Trước sức ép của cuộc sống hiện đại, những can thiệp tâm lý kịp thời giữ vai trò quan trọng với rất nhiều người. Tuy nhiên, ngành Tâm lý lâm sàng lại chưa thể đáp ứng được những nhu cầu thực tế đó. Bởi vậy, chúng ta có thể thừa nhận rằng đây là một “món nợ” đối với người bệnh” – Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Trầm cảm kéo dài dễ dẫn đến tự tử

Nói về thực trạng tự tử ở tuổi vị thành niên, TS.BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe – Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì rối loạn cảm xúc, hành vi ở tuổi thanh thiếu niên đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo bác sĩ Vũ Thy Cầm, bệnh viện từng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ có hành vi tự hủy hoại như cắt cổ tay, uống thuốc giải lo âu gây ngủ với số lượng lớn… mà trước đó người nhà không hề nhận biết những dấu hiệu bất thường ở con mình.

“Tuổi này là cái tuổi không thể nói trước được bất cứ điều gì. Các em có những phản ứng, nhiều khi là phản ứng tiêu cực một cách đột ngột mà chúng ta không thể kiểm soát hay lường trước được”- bác sĩ Cầm chia sẻ.

Tự tử ở tuổi vị thành niên: Chuyên gia, bác sỹ nói gì?

TS. BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: Hữu Lan 

Phía sau hành động uống 20 viên thuốc giải lo âu gây ngủ cùng một lúc của bệnh nhi N.T.H (15 tuổi, ngụ tại Đông Triều, Quảng Ninh) là một câu chuyện dài. TS.BS Vũ Thy Cầm nhận bệnh nhi N.T.H về Khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe – Tâm thần điều trị sau khi Trung tâm Chống độc giành giật mạng sống cho em thành công từ lưỡi hái tử thần.

Với trường hợp của bệnh nhi N.T.H, trước khi có hành vi tự tử, H đã mắc bệnh trầm cảm kéo dài do chịu nhiều áp lực. “Trong quá trình điều trị, em chia sẻ với bác sĩ bị tổn thương do bố mẹ ly hôn, bố dượng thường xuyên đánh đập, quát mắng nên bi quan, buồn chán và giấu gia đình mua thuốc để tự tử. Điều đáng lo ngại là các em không chia sẻ, tâm sự những bế tắc của mình với điểm tựa vững chắc nhất như bố mẹ để cùng tìm hướng giải quyết” – TS.BS Vũ Thy Cầm cho hay. 

Cũng theo TS.BS Cầm: “Chúng ta không loại trừ tình huống các em có suy nghĩ, hành vi tự tử vì cho rằng cha mẹ xúc phạm, không thương yêu mình khi bị quát, đánh. Cũng có trường hợp trẻ tự tử vì những đòi hỏi không được đáp ứng. Đối với các trường hợp này, cha mẹ cần sớm đưa con đi khám ở chuyên khoa tâm thần để xác định đây là hành vi dọa có động cơ hay xuất phát từ bệnh lý. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án điều trị phù hợp, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”.

Tuổi vị thành niên không chỉ có ăn và học 

ThS Tâm lý, Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng cho biết, anh nhận được rất nhiều lời “kêu cứu” của các bậc cha mẹ về việc làm cách nào để “thả nó ra mà an toàn, tin chắc nó sẽ không tự tử tiếp”.

Khi được hỏi về nguyên nhân tự tử ở tuổi vị thành niên, chuyên gia Đinh Đoàn cho biết: “Không ai khổ tới mức phải tự tử vì thiếu thốn vật chất, gần như 100% các vụ tự tử liên quan tới bế tắc tinh thần. Tiếc rằng “món tinh thần” lại được ít bậc phụ huynh quan tâm. Trong mắt bố mẹ, con cái cứ cao lớn, cứ chịu khó học, ngoan ngoãn, thi đỗ gì đấy là… OK rồi. Nhưng các em đâu chỉ có ăn và học, tuổi vị thành niên cũng có biết bao nhiêu điều để lo lắng, suy tư, những phát hiện mới mẻ về bản thân…”. 

Trong câu chuyện của mình, chuyên gia Đinh Đoàn kể về trường hợp một học sinh lớp 8 lầm lỳ, không nói chuyện với mọi người, về tới nhà đóng cửa phòng một mình. Bố mẹ thấy vậy quát tháo “không coi ai ra gì, càng lớn càng hư, xem bố mẹ như người ngoài”.

Tự tử ở tuổi vị thành niên: Chuyên gia, bác sỹ nói gì?

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn - Ảnh: NVCC

Một lần dọn phòng cho con, người mẹ phát hiện cuốn sách “Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe” lại càng thêm bực tức. Khi người bố biết chuyện, trong cơn giận dữ đã tát con và quát mắng thậm tệ. Hôm sau, bố mẹ mới tá hỏa khi phát hiện con nằm li bì vì uống nhiều thuốc ngủ. Các bác sĩ đã cứu được con nhưng lại hỏi họ rằng: “Cháu có thai, có lẽ đây là nguyên nhân cháu uống thuốc ngủ định tự tử, anh chị có biết điều này không?” thì cả hai đều lặng người.

Hay như trường hợp cậu học sinh lớp 12 leo lên cầu nhảy xuống sông tự tử sau giờ tan trường. Em đã được công an cứu kịp thời và gia đình cắt cử người canh gác em cả tháng. Sỡ dĩ, em tìm đến cái chết vì thông tin em có tình cảm với người cùng giới bị rò rỉ ra lớp, trường. Vì lo sợ tmọi người biết chuyện, bố mẹ sẽ đánh nên em chọn cách tự tử để giải thoát.

Theo ThS tâm lý Đinh Đoàn, tuổi vị thành niên có cá tính mạnh, tính tự ái, tự trọng rất cao. Các em không thể “chịu đựng” được sự coi thường, sự nghi ngờ của thầy cô, bạn bè. Đặc biệt, chính sự im lặng của cha mẹ khiến các em nghĩ mình không được quan tâm, sống không có giá trị. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần phải chủ động gần gũi, trò chuyện, cùng con tháo gỡ những khó khăn.

Đồng thời, cần hướng dẫn cho các em kỹ năng giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Trong đó, cần phải làm rõ rằng “chết không phải là hết” và trong cuộc sống, bài toán nào cũng sẽ có lời giải nếu các em bình tĩnh, chia sẻ với người thân - ThS tâm lý Đinh Đoàn cho biết thêm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự tử ở tuổi vị thành niên: Chuyên gia, bác sỹ nói gì?