Tự chủ ở bệnh viện công: Chất lượng nâng cao nhưng lạm thu, tiềm ẩn "lợi ích nhóm"

Thảo Nguyên| 03/10/2019 20:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 3/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập tại Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nhiều bệnh viện vay ngân hàng để tự chủ

Bộ trưởng Y tế cho biết, đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên.

Theo Bộ trưởng Tiến, để tự chủ bệnh viện, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên.

"Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương. Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn là 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi”, bà Tiến nói.

Tự chủ ở bệnh viện công: Chất lượng nâng cao nhưng lạm thu, tiềm ẩn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm rõ một số nội dung tại phiên giải trình

Bên cạnh đó, quá trình tự chủ giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng gần 9.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, tự chủ có tồn tại, bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu.

Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn. Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn.

Bộ trưởng Y tế cho biết thêm, giá viện phí hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ; còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT… cũng gây ra nhiều khó khăn đối với các đơn vị tự chủ bệnh viện.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Đặt vấn đề tại phiên chất vấn, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu đoàn Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng: Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, tỉnh thành, các bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi thì chưa được thu đủ, nhưng nơi thì thu thêm. Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính.

"Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ cái này và bao giờ thì tháo gỡ xong? Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?”, ông Trí chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện nay có 2 loại ý kiến. Có ý kiến đại biểu nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công "thở" thế nào?

"Ví dụ về vấn đề biên chế, hiện nay có tình trạng Nhà nước quản về biên chế, nên các bệnh viện khi muốn ký hợp đồng tuyển dụng người lao động cũng rất khó. Khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế nên rất khó”, Bộ trưởng Tiến cho hay. 

Bộ trưởng cho rằng nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đại biểu đoàn Quốc hội Quảng Bình) phản ánh thực tế bệnh viện dân lập đầu tư từ cơ sở vật chất đến tuyển dụng y bác sĩ rất tốt, đem lại lợi nhuận. Còn bệnh viện công lập được đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng y, bác sĩ nhưng lại khó tiếp cận tự chủ. Ông đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân một số cơ sở thu vượt cầu, lạm dụng kỹ thuật cao…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện phải có nguồn thu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, thu hút bệnh nhân, cải thiện chất lượng dịch vụ như: giường bệnh tới chăn, ga trải giường đều phải thay mới thường xuyên, bệnh viện phải có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tối thiểu là 3 sao trở lên, môi trường xanh, sạch, chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt. Vì mục đích tăng thu nên xảy ra hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc...

Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đồng thời ban hành Chỉ thị về chống trục lợi, lạm dụng để ngăn chặn tình trạng này.

Qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng và cần thiết để thúc đẩy các bệnh viện phát triển, song cũng lo ngại và đề nghị cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ ở bệnh viện công: Chất lượng nâng cao nhưng lạm thu, tiềm ẩn "lợi ích nhóm"