Trào lưu "anti vắc xin" của các bà mẹ: Bộ Y tế nói gì?

Thảo Nguyên| 12/07/2017 16:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, y tế thế giới coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Những ngày qua, trên mạng facebook, không ít bác sĩ thể hiện sự mệt mỏi khi họ phải "chiến đấu" với hàng nghìn tài khoản xưng danh các ông bố, bà mẹ thành lập hội tẩy chay vaccine (vắc xin), hay còn gọi "anti vắc xin".

Họ đưa ra lập luận cho rằng không cần phải tiêm vắc xin để giúp cơ thể tự sản sinh kháng thể tự nhiên, tự chống lại bệnh tật. Thậm chí, họ còn cho rằng tiêm vắc xin là hại con, ảnh hưởng tới não bộ phát triển của con.

Trước những thông tin thất thiệt này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định: Y tế thế giới coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Vắc xin đã cứu trẻ em như thế nào?

Theo Cục Y tế dự phòng, nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, bệnh đã được thanh toán vào năm 1979.

Trào lưu

Hàng triệu trẻ em đã thoát được các bệnh truyền nhiễm nhờ thành tựu tiêm chủng

Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đến sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002; số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Ngoài ra, tiêm chủng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho y tế. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.

"Anti vắc xin" vô cùng nguy hiểm

Cục Y tế dự phòng cho hay, nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể, nguy cơ virus bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt uốn ván sơ sinh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy, việc tiêm chủng để phòng bệnh hết sức quan trọng, tránh xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Trào lưu

Bộ Y tế khẳng định không tiêm chủng, dịch bệnh sẽ bùng phát 

Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng và bảo đảm an toàn tiêm chủng, tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc: Không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vác xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với văc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.

Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng,  ngày nay mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng.

Trào lưu "anti vắc xin" cũng cần được cảnh báo, bởi rất có thể đe dọa tính mạng của gia đình, của cả cộng đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trào lưu "anti vắc xin" của các bà mẹ: Bộ Y tế nói gì?