Thuốc lá điện tử đe dọa sức khỏe giới trẻ

Thảo Nguyên| 01/02/2023 16:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều trường hợp học sinh bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đến mức co giật, bị ảo giác phải nhập viện. Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang khiến giới trẻ đối mặt với những hệ lụy nguy hiểm về sức khỏe.

Nguy hiểm thuốc lá điện tử xâm nhập học đường

N.A. (nam, 12 tuổi) - học sinh một trường ở Hà Nội vào viện trong tình trạng khó thở và co giật. Theo gia đình, N.A. là học sinh ngoan, học giỏi nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát trẻ.

Gần đây, N.A. hay tụ tập với các anh lớp trên và được rủ sử dụng thuốc lá điện tử. Muốn được trải nghiệm "làm người lớn" nên em tự mua trên mạng về hút. Sau khi hút thuốc lá điện tử thường xuyên, N.A. xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và xuất hiện cơn co giật.

Em được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử trên gửi đến Viện Pháp y quốc gia, kết quả cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện.

Thuốc lá điện tử đe dọa sức khỏe giới trẻ

Học sinh tụ tập hút thuốc lá điện tử

Trước đó, vào tháng 9/2019, nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, đồng tử giãn, nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao vì dùng thuốc lá điện tử.

Mới đây nhất, một học sinh lớp 3 ở Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội) nhặt được thuốc lá điện tử ở nhà rồi mang đến lớp. Giờ nghỉ trưa, em này mang ra nghịch, khiến một số bạn trong lớp tò mò dùng thử. Sau đó, khi một số học sinh trong lớp xin ra ngoài vì buồn nôn, cô giáo mới phát hiện sự việc. Kết quả, đã có 8 học sinh phải đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

Đây chỉ là một vài trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử đối với thế hệ trẻ. Thực tế thời gian gần đây, thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đã "xâm nhập" ngày càng nhiều hơn vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi có tâm lý tò mò, hiếu kỳ, muốn khẳng định bản thân và thích khám phá.

Kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, TP của Việt Nam cho thấy có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.

Nâng cao nhận thức về thuốc lá điện tử

Đặc điểm chung của thuốc lá điện tử là đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào. Một số thuốc lá điện tử có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu; một số khác trông giống như cây bút, giống USB…

Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể sạc lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotin, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng.

Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tác dụng ngắn hạn là gây ra các triệu chứng mang tính chất hưng phấn kích thích hoặc có tác dụng giảm lo âu nhưng dùng lâu dài có thể gây ra các biểu hiện lo âu trầm cảm, hoang tưởng ảo giác, gây ra các hiện tượng rối loạn cảm xúc hành vi.

"Những rối loạn này thường có xu hướng mãn tính và chia thành nhiều đợt khác nhau. Sau khi không dùng nữa, những rối loạn này vẫn có thể là những bệnh lý kéo dài và ảnh hưởng tới người dùng trong suốt các giai đoạn về sau", bác sĩ Long nói.

Các chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm sát sao đến những biểu hiện lạ ở con mình như thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi; Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng.

Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Phối hợp nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Bác sĩ Vinh cho rằng, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. 

Do đó, nhà trường cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất gây nghiện ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

"Sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước", bác sĩ Vinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc lá điện tử đe dọa sức khỏe giới trẻ