Tem giấy gây loạn thần, hoang tưởng, chuyên gia nói gì?

Trọng Bằng| 20/09/2016 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, “tem giấy”, “bùa lưỡi” đang được một bộ phận giới trẻ sử dụng dưới hình thức miếng dán gây ảo giác như 1 loại ma tuý cực mạnh đang khiến nhiều người lo lắng. Vậy tem giấy thực chất là gì? Và các chuyên gia cảnh báo ra sao?

Tem giấy - ma túy cực độc hại

LSD (Axit Lyargic Diethilamide) là một chất bán tổng hợp từ một loại nấm thường mọc trên cây lúa mạch ở vùng Trung Á. Đây là một chất không màu, không mùi và không vị. Đồng thời, LSD cũng là hoạt chất kích thích thần kinh cực mạnh, được tìm ra bởi nhà khoa học Thụy Sĩ - Albert Hofmann vào năm 1943. Khi phát minh ra hoạt chất này, ông Hofmann hi vọng sẽ đóng góp nhiều cho việc chữa trị các căn bệnh về thần kinh. Tuy nhiên, lợi dụng chất kích thích này, người ta đã sử dụng chúng như một chất kích thích cực mạnh.

Hiện trên thị trường dân chơi gọi LSD là “bùa lưỡi", “tem thư", "tem giấy", “kẹo dán”… do được tẩm vào miếng giấy nhỏ có in hình các nhân vật hoạt hình, hoặc hình thù ngộ nghĩnh có nhiều màu sắc vui mắt để hấp dẫn dân chơi và qua mặt cơ quan phòng, chống ma túy.

Tem giấy gây loạn thần, hoang tưởng, chuyên gia nói gì?

Chất gây nghiện được "ngụy trang" trong những tem giấy như thế này

Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5cm x 1,5cm. “Tem giấy” được gắn một lớp nilon mỏng có khả năng tan trong nước và chất cồn. Nó có tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác - lưỡi.

Thời gian để “bùa lưỡi” tan hết trong miệng thường là 3 giờ, “thuốc” sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng. Ảnh hưởng LSD là không thể đoán trước được, tùy theo lượng thuốc sử dụng, tâm trạng, tính cách của người sử dụng, và môi trường xung quanh.

Thông thường, LSD sẽ bắt đầu có tác dụng sau 90 phút kể từ khi sử dụng. Các triệu chứng đầu tiên là giãn đồng tử, thân nhiệt thất thường, huyết áp và nhịp tim rối loạn. Một số người còn có thể đổ mồ hôi như tắm, hoặc cảm thấy ớn lạnh. Người sử dụng LSD sẽ cảm thấy mất đi vị giác, mất ngủ, khô miệng, run rẩy, tâm trạng thay đổi thất thường. Thị giác của họ cũng trở nên nhạy cảm hơn đối với một số màu sắc. Do LSD thuộc nhóm chất gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới bộ não nên có thể gây ra bệnh tim mạch, đau cơ không chỉ trong lúc sử dụng “thuốc” mà còn kéo dài sau thời gian sử dụng.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất, khả năng Hà Nội, đây là loại ma túy cực kỳ nguy hiểm vì gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay. Chất này thuộc nhóm kích thích, chỉ cần vài chục microgam đã có thể ảo giác, hoang tưởng gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Ngoài ra, cách sử dụng của "tem giấy" lại rất đơn giản, chỉ cần liếm như dán giấy hoặc ngậm trên lưỡi. LSD có tác dụng rất nhanh, chỉ sau 5 phút liếm, ngậm người dùng đã có cảm giác. Thời gian bán hủy là 5 giờ nhưng tác dụng kéo dài đến 12 giờ. Tuy nhiên, với liều cao khoảng 1 mcg/kg, trung bình khoảng 50-60 mcg, ảo giác, hoang tưởng kéo dài đến vài ngày.

Tem giấy đã len lỏi vào Việt Nam

Trên thế giới, tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép LSD đã ở mức khá phổ biến và nghiêm trọng trong khoảng vài chục năm gần đây. Năm 2009, Cảnh sát phòng, chống ma túy tại sân bay quốc tế Don Mueang đã phát hiện một lượng lớn LSD tẩm vào một lô giấy viết A4 khi quá cảnh ở sân bay này.

Tại Việt Nam, 10 năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng sử dụng trái phép LSD trong một số nhóm thanh niên ăn chơi ở một số thành phố lớn. Các đối tượng này thường sử dụng LSD xong thuê xe taxi chạy ra khu vực ngoại ô với một cặp loa của máy tính đã có thể có những trải nghiệm giống như đang trong một sản nhảy.

Tem giấy gây loạn thần, hoang tưởng, chuyên gia nói gì?

Sử dụng tem giấy rất đơn giản, chỉ cần liếm như dán giấy trên lưỡi

Theo BSKC 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện tâm thần TP.HCM cho biết, từng điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện tem giấy. Em này là học sinh cấp 3 có triệu chứng ảo thị và rối loạn giấc ngủ sau một thời gian "chơi tem". Bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc và áp dụng các liệu pháp cai nghiện ma túy. Sau 2 lần điều trị, chất gây nghiện LSD được đào thải dần khỏi cơ thể em, triệu chứng ảo giác và rối loạn giấc ngủ đã thuyên giảm, song, các bác sĩ đã cảnh báo người nhà theo dõi sát bệnh nhân để tránh nguy cơ tái nghiện sẽ rất khó điều trị.

Hiện tại các BV Tâm Thần Trung ương, BV Tâm thần Hà Nội, chưa ghi nhận ca bệnh nào nhập viện vì loại ma túy mới này. Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, TP.HCM xuất hiện nhiều loại tem giấy thì nhiều khả năng Hà Nội cũng có, vấn đề là chưa phát hiện, chưa có hậu quả để phải vào viện điều trị, cũng có thể người sử dụng là đối tượng quá trẻ nên gia đình giấu. Theo thống kê tại BV Tâm thần Hà Nội, 80% các trường hợp nhập viện vì các rối loạn do ma túy đá, thuốc lắc… là do gia đình và cơ quan chức năng đưa đến.

Cảnh báo của các chuyên gia

Theo phân tích của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, tem giấy chứa chất LSD hay gọi “bùa lưỡi”, thực chất là chất chậm nghiện. Người sử dụng có thể chết trước khi nghiện, bởi những ảnh hưởng từ ảo giác do chất này gây ra.

Dấu hiệu người chơi ma tuý tem giấy rất giống người chơi hàng đá. Liều lượng của LSD trong tem giấy khó gây nghiện tức thời mà phải dùng nhiều, khi chơi đủ đô sẽ gây trạng thái ảo giác thường gọi là loạn thần. Một số biểu hiện nhận biết người chơi tem giấy như sợ sệt, la hét, có khi hung hăng muốn tấn công người khác, bỏ ăn, ngủ ngày thức đêm...

Theo bác sĩ Hiển, khi người chơi rơi vào trạng thái loạn thần ảo thanh thì luôn bị dẫn dắt bằng những lời nói tiêu cực văng vẳng trong tai như: “Nó là kẻ thù mày đó. Đánh nó đi". Hoặc khi rơi vào trạng thái loạn thị thì tất cả màu sắc, hình thù sự vật thay đổi, như thể người chơi bước qua một hành tinh khác. Trạng thái này nguy hiểm nhất cho những người tham gia giao thông có dùng tem giấy. Khi ấy, chiếc xe, đèn tín hiệu đều biến ảo thành màu sắc và hình thù lạ trong mắt người chơi khiến họ không nhận thức được mối nguy hiểm mà lao vào. "Đây mới là điều nguy hiểm với người chơi tem giấy khiến họ có thể chết vì những hiểm nguy này trước khi chết do nghiện", bác sĩ Hiển nói.

Tem giấy gây loạn thần, hoang tưởng, chuyên gia nói gì?

Người sử dụng "tem giấy" luôn có cảm giác mình ở một thế giới khác

Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, điều rất nguy hiểm là “tem giấy” nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được nguy hiểm mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò chơi. Như các loại ma túy khác, “tem giấy” đem lại cảm giác “phê” nên người dùng thích thú và dễ bị phụ thuộc.

Bác sĩ Cương cũng đưa ra cảnh báo, ngoài việc thường xuyên quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nếu thấy trẻ có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, xuất hiện hành vi kỳ quặc… thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Phân tích sâu hơn về nguy cơ “tem giấy” sẽ trở thành loại ma túy được giới trẻ, nhất là học sinh sử dụng nhiều, TS BS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, lý do đầu tiên là loại ma túy này có giá rẻ hơn nhiều so với các loại ma túy khác, mỗi miếng chỉ khoảng 20.000 đồng. Hơn nữa, cách thức sử dụng rất đơn giản, chỉ cần dán miếng tem vào lưỡi hoặc liếm.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Tuấn, người nghiện heroin gây án lúc đói thuốc, gây án để có tiền hút thuốc, khi còn tỉnh táo. Còn những người nghiện ma túy gây ảo giác như ma túy đá gây án trong tình trạng hoang tưởng, ảo giác, giết người thường không có mục đích. Đa số người nghiện sẽ gây hại đến bố, mẹ, người yêu, con, nhìn người trước mặt tưởng là yêu quái, quái vật. Vì thế, cha mẹ, thầy cô giáo cần chủ động giáo dục trẻ về những hậu quả khôn lường của các loại ma túy mới này.

Từ góc độ cơ quan pháp luật, Đại tá Tạ Đức Ninh - Trưởng Phòng Thường trực Chương trình quốc gia về phòng, chống ma túy, Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo: LSD là loại ma túy rất độc hại, nó có đặc tính kích thích ảo giác cũng như gây hại nhất hiện nay trong bảng thống kê các chất ma túy tổng hợp. Do vậy, giới trẻ cần tránh xa và không thử dù chỉ một liều duy nhất.

Việc thực thi pháp luật đối với loại ma tuy này không phải dễ đối phó, bởi lẽ “tem giấy” với trọng lượng thường nhẹ nên khá khó khăn để truy tố được các đối tượng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp nói chung, LSD nói riêng cần biết, đó là họ sẽ bị loạn thần, ảo giác và luôn trong trạng thái sẵn sàng vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, theo Đại tá Tạ Đức Ninh đây lại là một chất gây ảo giác mạnh nhất trong số các chất gây ảo giác từng được biết. Trên thị trường ma túy bất hợp pháp, LSD cũng là loại ma túy có giá bán cao nhất với giá trung bình cho một kg vào khoảng 40 – 60 triệu đô la Mỹ. Do chỉ cần một hàm lượng rất thấp (dưới 100 miligam) cho một liều dùng, nên tội phạm không sản xuất và phân phối dưới dạng viên mà thường tẩm loại ma túy này vào các miếng giấy để dễ qua mắt cơ quan phòng, chống ma túy. 

Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định 82 năm 2013 của Chính phủ ban hành danh mục chất ma túy và tiền chất, thì chất LSD (tem giấy) được xếp vào Danh mục I là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội.

Việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Chính vì vậy, hành vi tàng trữ, vận chuyển tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép “tem giấy” là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý theo Điều 194 BLHS hiện hành.

Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là phạt tù từ 2 – 7 năm tù và cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tem giấy gây loạn thần, hoang tưởng, chuyên gia nói gì?