Suýt chết vì “chê” bác sĩ chẩn đoán sai, tự ý mua thuốc điều trị

Chí Tâm| 21/08/2018 15:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhân nguy kịch trong tình trạng ói ra máu, không đi đứng được do không tin bác sĩ chẩn đoán mình mắc bệnh gout nên đã tự mua thuốc đau khớp uống mỗi khi thấy đau nhức.

Cách đây 1 năm, T.N.C. (57 tuổi, ngụ Trà Vinh) có những cơn đau ở khớp bàn chân từ 1-2 ngày và khoảng 2- 3 tháng lặp lại một lần. Đi khám tại bệnh viện địa phương, bà được chẩn đoán mắc bệnh gout nhưng bà không tin vì nghĩ rằng chỉ có đàn ông ăn nhậu nhiều mới bị bệnh này, đồng thời tự ý mua thuốc đau khớp bên ngoài để uống.

Sau 2 ngày uống thuốc, tình trạng đau của bà đã không còn. Vì vậy, mỗi lần cơn đau tái phát, bệnh nhân lại mua loại thuốc đó về uống.

Tuy nhiên, cách đây 4 tháng, diễn tiến bệnh của bà nặng hơn với những triệu chứng đau nóng dữ dội, kéo dài ở các khớp gối, cổ chân và các khớp ngón bàn chân. Sau đó, bà đi tiêu phân đen, ói ra máu và không thể đi dứng được. Khi đó, bệnh nhân mới đến bệnh viện để khám.

Suýt chết vì “chê” bác sĩ chẩn đoán sai, tự ý mua thuốc điều trị

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ chẩn đoán bà C. bị gout và bị xuất huyết tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc bà đã tự điều trị. Lúc này, bà C. mới tin rằng mình bị gout. Sau khi điều trị bằng thuốc đặc trị gout và tái khám theo chỉ định, tình trạng người bệnh đã ổn định, các cơn đau đã không còn và có thể đi lại được bình thường.

Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc – Trưởng Đơn vị Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tại phòng khám Nội cơ xương khớp của bệnh viện có đến có đến 25% đối tượng bị gout là phụ nữ đến khám và điều trị.

Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc gout vì những thay đổi về nội tiết tố trong giai đoạn này dẫn đến rối loạn chuyển hóa nhân purin. Triệu chứng gout ở nam và nữ là giống nhau. Thế nhưng đa số nữ giới thường mặc định gout là bệnh của các quý ông nên không nghĩ mình bị gout và tự mua thuốc điều trị đặc biệt là những thuốc có chứa corticoids dưới dạng thuốc nam, thuốc bắc, thảo dược, thuốc gia truyền…

“Khi tình trạng bệnh diễn biến nặng hoặc xuất hiện biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như xuất huyết tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, xẹp đốt sống… thì họ mới tới bệnh viện kiểm tra", bác sĩ Ngọc nói.

Bác sĩ Ngọc cũng cho biết thêm, gout không phải là một bệnh khó điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp cải thiện bệnh, giảm nguy cơ tàn phế. Khi thấy những dấu hiệu sưng, đỏ và đau không đối xứng ở tay, ngón chân cái, mắt cá chân… người dân nên lập tức đi khám chuyên khoa Nội cơ xương khớp để được chẩn đoán chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suýt chết vì “chê” bác sĩ chẩn đoán sai, tự ý mua thuốc điều trị