Những người thầy thuốc của bản làng

Nam Hoàng| 05/06/2018 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cứ thế, tháng này qua năm khác, những người “thầy thuốc cắm bản” như ông Xứng, ông Hơ âm thầm lặng lẽ, tận tâm tận lực với nghề.

Tận tụy, cố gắng đem những kiến thức mình đã được học ra để giúp đồng bào, đó là suy nghĩ và cũng là cách học theo Bác của hai “thầy thuốc cắm bản” Nguyễn Văn Xứng, người dân tộc Tày, Trạm phó Trạm y tế xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn) và y sỹ Thò Bá Hơ, cán bộ Trạm Y tế xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An). Chính vì suy nghĩ đó mà suốt hàng chục năm qua, hai ông vẫn lặng lẽ tìm đến với mỗi gia đình người bệnh, dù ở vời vợi núi cao hay hun hút thung sâu...

Những người thầy thuốc của bản làng

Với mỗi bệnh nhân, ông Xứng đều tận tình thăm khám

Hết lòng với cộng đồng

Trong tất cả những xã của huyện Chi Lăng, thì có lẽ Hữu Kiên là xã nghèo, nếu không muốn nói là nghèo nhất. Ở Hữu Kiên, có những bản mà tính từ đầu đến cuối chỉ lơ thơ vài nóc nhà, hầu hết đều tranh tre nứa lá, gió thổi tứ bề. Cuộc sống của đồng bào ở đây vốn đã nghèo ăn, nghèo chữ và cũng nghèo luôn cả những dịch vụ chăm sóc về sức khỏe con người. Nhưng rất may là ở vùng đất khốn khó này còn có những thầy thuốc hết lòng với cộng đồng như ông Nguyễn Văn Xứng, người dân tộc Tày, Trạm phó Trạm y tế xã Hữu Kiên.

Ông Xứng bảo, sau hơn hai mươi năm làm công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, ông đúc rút ra rằng, cái khó nhất của những người thầy thuốc cắm bản đó là làm sao vận động được bà con tin và đến với mình. Bởi ở Hữu Kiên, từ thuở sơ khai, hai dân tộc Tày - Nùng đã có rất nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống ảnh hưởng sâu sắc tới tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác. Trong đời sống tâm linh của họ, những thế lực siêu hình luôn có chỗ ngự trị. Đối với những sự vật, hiện tượng thiên nhiên mà khả năng của con người không lí giải được hoặc không có câu trả lời thỏa đáng, họ đều coi là thánh thần, ma quỷ.

Mỗi khi người thân có bệnh, đồng bào Tày, Nùng thường vời thầy mo, thầy cúng đến nhà để bắt “ma” chứ ít khi tìm đến khám chữa bệnh tại những cơ sở của Nhà nước. Thế cho nên, ngoài công việc chuyên môn, những người thầy thuốc như ông Xứng phải kiêm luôn công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thôi tin vào những niềm tin mê mụ. “Cuộc chiến” chống mê tín dị đoan đó đã và đang diễn ra hàng ngày hàng giờ không chỉ ở Hữu Kiên mà còn trên nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa.

Ông Xứng kể, sau khi tốt nghiệp Y sỹ đa khoa, ông đã có nhiều sự lựa chọn thuận lợi cho công việc của mình. Thế nhưng, chính vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chỉ toàn đá gan gà này, thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà “những người hàng xóm mến thương” phải gánh chịu, ông quyết định về đây công tác từ năm 1996. Lúc ấy, Trạm Y tế xã còn là căn nhà tạm, đồ đạc chả có gì ngoài vài bộ bàn ghế, giường bệnh rêu cũ, trang thiết bị thì lạc hậu, lỗi thời. Mỗi lần mưa bão, gió thổi thốc thác tứ bề, ông và đồng nghiệp phải dùng áo mưa căng che, thuốc khô thì người ướt. Mãi đến năm 2001, chính quyền mới cho xây dựng được căn nhà cấp 4, kê thêm vài cái giường bệnh. Cả Trạm y tế có đúng 5 cán bộ, nhưng phải phụ trách 9 thôn bản nằm cách xa nhau đến… vài ngày đi bộ.

Ngày trước chưa có đường đi, sáng ông phải dậy từ 4 giờ sáng, cuốc bộ đến khoảng 8 giờ thì đến cơ quan. Hành trình gian nan đó, ông đã thực hiện đều đặn mỗi ngày suốt gần hai thập kỷ. Nhưng điều ông ám ảnh nhất là những ngày mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, suối dâng cuồn cuộn, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể mất mạng. Lắm khi “tiến thoái lưỡng nan”, ông đành ngủ rừng chờ nước rút. Đến giờ, đường vào Hữu Kiên đã được mở, nhưng chỉ chạy vào đến trung tâm xã, còn muốn xuống các thôn bản thì phương tiện duy nhất vẫn là đi bộ.

Đường mới vỡ, thế nhưng do địa hình phức tạp lại không ngừng bị sói mòn bởi nước lũ, nên nhiều đoạn vốn dĩ đã bé như bụng ngựa, nay còn bị nhấn thụt hẳn xuống khe sâu. Có lần gặp ca bệnh hiểm nghèo, cần đưa lên tuyến trên, đường lụt không thể vận chuyển bằng các phương tiện như ô tô, xe máy, ông Xứng cùng đồng nghiệp phải phối hợp với gia đình họ thay nhau khiêng, cáng, thậm chí là cõng bệnh nhân xuống viện. Đến nơi, ông lại phải chạy đôn chạy đáo làm các thủ tục, giấy tờ. Bởi, phần lớn người nhà của bệnh nhân cả đời “không bước qua cái cửa rừng”, đến những nơi đông người và nhiều lạ lẫm như bệnh viện, họ chỉ biết… dáo dác nhìn!

Nhắc đến cái chuyện mà lâu nay người ta bàn nhiều, nói nhiều, thậm chí nó đã từng được đưa ra “mổ xẻ” trong nghị trường Quốc hội, đó là làm sao giữ gìn được y đức người thầy thuốc, giữ gìn lời thề Hypocrat, hay chuyện “phong bì trong bệnh viện”, ông Xứng chỉ cười trừ. Ông bảo, ở đâu không biết, chứ rừng xanh núi đỏ thế này, đồng bào tìm đến với mình là may rồi, chứ nói gì đến chuyện phong bì. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, khi đưa người nhà của họ đi bệnh viện, ông phải trích từ những đồng lương ít ỏi của mình để giúp đỡ họ phần nào.

Cuộc chiến với bệnh tật và mông muội

Cũng giống như Hữu Kiên, khắp vùng Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) ngước về tứ phía đều là núi rừng, cây cối chen nhau với đá sỏi từng vốc đất, rất nhiều hộ dân còn sống dưới mức nghèo. Có gia đình sống nhờ chủ yếu vào vài nương lúa. Lúa nương trông cả vào ông giời. Năm nào mưa thuận gió hòa, đồng bào có gạo, có ngô ăn đủ trong nửa năm, nửa năm còn lại thì trông cả vào rừng. Có nghĩa, đến ngay cả chuyện căng cái bụng cũng trông vào ông giời, đủ ăn cũng đã là một niềm mơ ước. Cuộc sống là chuỗi những mưu sinh không buồn, không vui, cứ thế chảy trôi. Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi khi chỉ là có bát cơm mỗi ngày. Đối với họ, khám chữa bệnh vì thế cũng là thứ gì đó xa xỉ. Còn cái chuyện phong bì, phong bao mà dư luận quan tâm thời gian qua nó thậm chí xa lạ đối với những “thầy thuốc cắm bản” như y sỹ Thò Bá Hơ, cán bộ Trạm Y tế xã Tri Lễ.

Những người thầy thuốc của bản làng

Y sỹ Thò Bá Hơ: “Vận động đồng bào đi khám bệnh khi ốm đau là khó vô cùng”

Ông Hơ bảo, sau hàng chục năm công tác, điều ông trăn trở không hẳn là chuyện phong bì, phong bao hay cảm ơn cảm tạ, mà đó là làm sao được trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc, thuốc men để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, đồng thời cố gắng tuyên truyền, vận động dần xóa bỏ được những niềm tin u mê, mông muội của đồng bào. Bởi, từ những niềm tin mê mụ đó, đã xảy ra không ít những bi kịch đau lòng.

Ônh Hơ kể, có lần nghe tin một bà ở dưới bản Pịch Niềng mắc bệnh nặng, gia đình mời hết thầy cúng này đến thầy mo khác mà bệnh không thuyên giảm, ông và đồng nghiệp tay đồ lỉnh kỉnh, trèo đèo lội suối mất cả ngày trời. Vừa đến nơi, cô con gái bà cụ nhất định không cho ông vào thăm khám. Lý do cố ấy đưa ra là chỉ vì “mẹ tao bị con ma nó nhập vào rồi, phải nhờ thầy mo bắt đi thôi. Mấy viên thuốc của mày, con ma nó không sợ. Thôi, mày về đi!”. Dù ông và đồng nghiệp ra sức vận động thế nào, con cháu của bà cụ cũng quyết không cho bước qua bậu cửa…

Nhưng, câu chuyện làm ông Hơ đau và nhớ nhất, đó là câu chuyện về anh Thò Xồng Kh ở Pòm Đôn. Vào cuối năm 2008, anh Kh đi đám cưới người bạn ở bản bên về được vài ngày thì lăn đùng ra đau bụng, đau dữ dội như có ai cào cấu ruột gan. Người nhà mời thầy mo về cúng, cúng ba ngày, ba đêm mà cái bụng anh vẫn ngày một to lên. Đến khi gà, lợn trong chuồng nhà anh Kh lần lượt bị giết thịt hết để làm lễ thì thầy phán rằng: Anh Kh bị “ma” nhập. Để “đuổi ma”, thầy vừa cúng vừa cầm cây gậy to như bắp tay vụt vào người khiến anh Kh suýt chết.

Phải mất rất nhiều công sức, ông Hơ cùng cán bộ xã mới vận động được người nhà đưa anh Kh tới bệnh viện. Khi đó, họ mới biết căn nguyền nguồn gốc căn bệnh chướng bụng của anh là do bị ung thư gan giai đoạn cuối. Về nhà khoảng chừng hơn 2 tháng sau thì anh Kh mất. Nhưng sau đó, những lời đồn thổi về chuyện anh bị “ma gà chui vào bụng ăn hết nội tạng” rồi bắt đi vẫn còn được dân bản rỉ tai nhau đến tận bây giờ.

Trước đó, vào năm 2004, cũng có một trường hợp đã từng bị đồn đoán “ma chui vào bụng”, đó là anh Sồng Chứ M ở Yên Sơn. Anh này sau khi đi ăn cỗ ở bản bên về thì tự nhiên nôn thốc nôn tháo mấy ngày liền. Người nhà tưởng anh bị ma gà làm hại, đang định mời thầy mo về “đuổi”, may nhờ ông Hơ lặn lội xuống kịp thời khám rồi đưa lên bệnh viện huyện điều trị. Bởi gia đình nhà anh này nghèo, chưa chạy vạy, vay mượn được ở đâu, nên mọi chi phí ông Hơ đều phải bỏ ra. Sau khi xuất viện, anh này đã bán con trâu cày duy nhất của gia đình mình rồi cùng người thân đem tiền xuống tận nhà ông thầy thuốc nghèo gianh tre nứa lá, họ vừa khóc vừa xin được tạ ơn “độ mạng”…

Cứ thế, tháng này qua năm khác, những người “thầy thuốc cắm bản” như ông Xứng, ông Hơ âm thầm lặng lẽ, tận tâm tận lực với nghề. Để đến giờ, đi khắp vùng Tri Lễ, Hữu Kiên, từ núi cao đến thung sâu, đồng bào luôn nhắc đến các ông như nhắc về người thân ruột thịt của mình. Được đồng bào thương yêu, trân quý, đó có lẽ cũng chính là cái được lớn nhất trong suốt cuộc đời “bốc thuốc cứu người” của ông Xứng, ông Hơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người thầy thuốc của bản làng