Nhiều trẻ nhập viện do pháo tự chế phát nổ

Thảo Nguyên| 03/01/2023 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các bác sĩ nhận định đặc điểm chung của các vụ nổ pháo trên là trẻ muốn khám phá, tự tìm mua nguyên liệu trên mạng xã hội và tìm các video hướng dẫn để thực hiện.

Ngày 3/1, bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh - Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, trong ngày đầu năm đã tiếp nhận 2 trường hợp bỏng do pháo. Trong đó, 1 thiếu niên 16 tuổi bỏng 50% cơ thể, tình trạng rất nặng, thở qua ống nội khí quản. Bệnh nhân còn lại là nam, 17 tuổi, bỏng 15% cơ thể, nặng nhất là ở vùng mặt, cổ, ngực, hai tay, được truyền dịch và theo dõi tích cực.

Trước đó 2 ngày, một thiếu niên 15 tuổi, ở Ninh Bình, nhập viện với tổn thương 30% diện tích cơ thể, bỏng độ 2-3, nặng nhất vùng mặt. Người nhà cho biết em tự chế pháo, không may phát nổ, lửa bốc lên cháy quần áo, bỏng nặng cơ thể, được y tế địa phương sơ cứu rồi chuyển tuyến lên Hà Nội.

Nhiều trẻ nhập viện do pháo tự chế phát nổ

Bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật cho bệnh nhân gặp tai nạn do pháo nổ. Ảnh: BVCC

Tương tự, Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học trên mạng.

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam (16 tuổi, ở Bắc Giang) vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo người nhà nạn nhân, khi đang cầm pháo tự chế trên tay thì pháo nổ gây nát bàn tay trái và chân phải.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân nam (15 tuổi, ở Nam Định) bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp...

Tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, chỉ vài ngày qua đã liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị bỏng do tự chế pháo nổ. Nhiều ca còn bị đoạn chi, hậu quả điều trị kéo dài.

Tại khu cách ly Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng vừa tiếp nhận một thiếu niên ở tỉnh Đắk Lắk chuyển xuống bị bỏng nặng do tự chế pháo nổ. Hiện, bệnh nhi đang được điều trị tích cực. Trong khi 2 người bạn cùng nhóm của em đã tử vong khi thuốc phát nổ.

Bác sĩ Đinh Gia Khánh - Khoa Bỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM chia sẻ: "Tại các bệnh viện tuyến tỉnh thì các bác sĩ đã sơ cứu, khâu các vết thương và cầm máu tạm thời sau đó chuyển tuyến bé. Khi nhập viện ở đây thì bé được xử trí vết thương, băng bó. Sau đó bé được phẫu thuật, xử trí các vết thương ở vùng mặt, môi, tay và chân 2 bên".

ThS.BS Nguyễn Điện Thanh Hiệp - Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật cho biết, hầu hết các trường hợp đều mua hóa chất trôi nổi với công thức liều lượng không chuẩn dẫn đến khi phát nổ thì hậu quả khôn lường.

Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương này thường rất khó làm sạch do dính dị vật khi pháo nổ, khó khăn cho quá trình điều trị. Nặng hơn, bệnh nhân có thể phải cắt phần chi thể không thể bảo tồn như bàn, ngón tay. Nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến tàn phế. Di chứng từ những vết thương do pháo nổ cũng rất nặng nề, như sẹo bỏng co kéo, mất tay chân...

Năm nào cận Tết tình trạng trẻ gặp tai nạn thương tâm do tự chế pháo cũng xảy ra… Các sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Trẻ bị bỏng do đốt pháo, biện pháp sơ cấp cứu là loại bỏ tác nhân gây bỏng, hạ nhiệt vết thương bằng nước sạch, băng bó..., đồng thời kiểm tra nạn nhân có bị ngộ độc khí cháy. Nếu chi thể bị đứt lìa, nên rửa phần đứt bằng nước muối sinh lý, đặt vào túi sạch rồi bỏ vào túi có đá lạnh (không cho trực tiếp vào đá lạnh) và đưa vào viện cùng nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trẻ nhập viện do pháo tự chế phát nổ