Người Việt vẫn thấp còi so với thế giới

Thảo Nguyên| 30/09/2017 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm gần đây, tầm vóc của người Việt Nam đã có những sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều cao của người Việt Nam còn chậm hơn so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trên thế giới, trong vòng 100 năm qua, nữ giới Hàn Quốc và nam giới Iran đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20.2 cm và 16.5 cm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164.4cm; đồng thời nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153.6cm

Theo TS Sơn, dù những năm qua nước ta đã có những đề án, chương trình để nâng cao tầm vóc Việt, nhưng trong quá trình đó các nước cũng phát triển chiều cao dân số đi lên. Vì thế, dù chiều cao dân số nước ta có phát triển hơn trước, nhưng vẫn thấp so với nhiều nước trên khu vực và thế giới.

Người Việt vẫn thấp còi so với thế giới

Minh họa về chiều cao trung bình của người việt và thế giới. Ảnh tư liệu

Các nghiên cứu trong hơn 30 năm qua cho thấy mức tăng trưởng về chiều cao của người Việt Nam vẫn rất thấp. Chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ tăng thêm 4,4cm (từ 1,6m lên 1,644m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4cm (từ 1,5m lên 1,534m).

TS Sơn cũng cho hay, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao trẻ em Việt như yếu tố gen, yếu tố dinh dưỡng, chế độ tập luyện thể thao, bệnh tật,… "Để cải thiện chiều cao, cần các can thiệp tổng thể theo các mô hình can thiệp bổ sung hỗn hợp các vi chất dinh dưỡng gồm Vitamin A, Canxi, Vitamin K, vitamin D, Sắt, Kẽm…", TS Sơn nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này PGS.TS Lê Thị Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, hiện nay nhiều gia đình đang có những quan điểm sai lầm trong việc chăm sóc thúc đẩy phát triển chiều cao cho trẻ.

Trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, ở nước ta, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ suy dinh dưỡng; trong 10 trẻ thì có 7 trẻ thiếu kẽm; cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ thiếu máu.

Theo PGS Mai, trong khẩu phần ăn hàng ngày của cả trẻ bình thường cũng như trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi đều không đủ canxi và các vi chất thiết yếu giúp hấp thu canxi vào xương hiệu quả. Có sự khác biệt về cơ cấu chất lượng khẩu phần của trẻ giữa thành phố và nông thôn, giữa các vùng sinh thái, khu vực, mức kinh tế,…

"Do đó, cần bảo đảm bữa ăn của trẻ đa dạng, cân đối, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất", PGS Mai nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt vẫn thấp còi so với thế giới