Người Việt hãi hùng với nỗi lo "ăn gì cũng ung thư"

Thảo Nguyên| 06/12/2016 06:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực phẩm bẩn có thể gây ra hơn 200 bệnh khác nhau. Đáng sợ hơn, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư.

35% người mắc ung thư là do thực phẩm bẩn

Các nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2020, số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 và trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác.

Người Việt hãi hùng với nỗi lo

Con số đáng sợ về tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam

Thống kê của Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm: có đến 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép và 455/ 735 mẫu thịt gia sức, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật: Hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; Hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây thực sự là những con số đáng báo động về tình hình an toàn thực phẩm.

Số liệu của Bộ Y tế chỉ ra, mỗi năm Việt Nam có hơn 75.000 người chết vì ung thư, nghĩa là trung bình một ngày có 250 người chết. Chỉ với 6 loại ung thư phổ biến: ung thứ vú, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, tổng chi phí trực và gián tiếp đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam (năm 2012). Những con số trên đặt ra thách thức rất lớn đối với các nhà quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm. Làm thế nào để người dân được tiếp cận với nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe.

Từ những sự kiện thực phẩm bẩn gây bức xúc cộng đồng

Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có không ít các vụ việc thực phẩm bẩn, thực phẩm làm giả đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt như vụ 200kg thịt heo ôi thiu, heo bệnh chết giả làm thịt rừng phân phối tại các quán nhậu ở Bình Thuận; 3.000kg nội tạng hôi thối được vận chuyển qua biến giới tỉnh Quảng Trị; 30 thùng carton giấm gạo làm từ axit ở Tp.Vinh (Nghệ An), ruốc nhuộm đỏ bằng chất nhuộm vải công nghiệp ở Phú Yên; măng, rau củ nhuộm hóa chất để có màu sắc tươi đẹp và lâu bị hỏng ở Tp.HCM và vô số các vụ thực phẩm bẩn khác, liên tục bị phát hiện trên khắp các tỉnh thành cả nước...

Người Việt hãi hùng với nỗi lo

Thực phẩm bẩn đang tràn lan gây bức xúc trong cộng đồng

Liệt kê ra như thế để thấy rằng, bất cứ loại thức ăn nào, bất cứ khu vực nào cũng đã và đang tồn tại nguồn thực phẩm bẩn mà dù ai có kỹ tính đến đâu cũng ít nhất một vài lần “dính” phải chúng.

Đến cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm

Hàng triệu người chết mỗi năm có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn tự bản thân nó đã đáng giật mình. Nhưng điều giật mình thực sự là nó quen thuộc đến nỗi người ta dẫn lại câu của người xưa để tự an ủi mình: “Ăn bẩn sống lâu”, như sự bất lực đến thỏa hiệp của con người khi thực phẩm chứa đầy hóa chất độc hại vẫn ngang nhiên đi vào mâm cơm người Việt.

Trước kia, rau củ quả không có thuốc trừ sâu, có chất kích thích tăng trưởng, nay thì ngược lại. Ngoài ra để thức ăn được đẹp, để được lâu, người bán không ngần ngại đổ chất bảo quản vào thịt cá, hoa quả, đồ ăn chín, đồ đóng hộp, dùng hóa chất công nghiệp nhuộm màu thực phẩm...

Bên cạnh đó, các loại đồ chiên rán ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các amin dị vòng có khả năng gây ung thư. Đồ nướng trên than như thịt xiên nướng, bún chả sẽ hình thành các hydrocarbon thơm đa vòng, đơn cử như pyrene (có trong nhựa đường và bồ hóng) gây ung thư....

Trong thức ăn có quá nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo động vật, cộng chế độ ăn ít hoa quả, rau xanh kết hợp ít vận động có thể gây ra một số loại ung thư như đại tràng, ung thư vú ở nữ. Đặc biệt nếu sử dụng các thực phẩm có thuốc bảo quản vượt ngưỡng, bản thân thực phẩm không gây ung thư nhưng chất bảo quản gây ung thư.

Một số chất sản sinh ra trong quá trình bảo quản thực phẩm như aflatoxin trong gạo mốc gây ung thư gan. Các chất độc hại trong thực phẩm là nguyên nhân của trên 30% bệnh nhân ung thư.

Người Việt hãi hùng với nỗi lo

"Con đường từ dạ dày đến nghĩa trang chưa bao giờ ngắn thế", trích lời đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.

Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn được triển khai bằng đội quân tổng lực. Ở cấp "vĩ mô" có đến 4 Bộ cùng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường). Đội quân thường trực có lực lượng quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng, chính quyền cơ sở. Chiến dịch "nói không với thực phẩm bẩn" được phát động với nhiều hình thức tuyên truyền rầm rộ. Người dân đối phó với thực phẩm bẩn bằng nhiều cách: vào siêu thị mua rau sạch, tự trồng rau xanh trong các hộp xốp, về các miền quê tìm mua thực phẩm sạch. Nhưng chẳng khác gì cái vòi con bạch tuộc, thực phẩm bẩn cứ thò ra khắp mọi nơi. Người tiêu dùng chỉ biết tặc lưỡi: "Ăn gì cũng chết, không ăn cũng chết".

Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm tất cả, bất chấp sức khỏe và mạng sống của cộng đồng. Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bán những thứ độc hại nhất cho người tiêu dùng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt hãi hùng với nỗi lo "ăn gì cũng ung thư"