Người phụ nữ hơn 30 năm không há được miệng

Xuân Lĩnh| 06/04/2013 09:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Suốt 30 năm chị sống như người câm, ăn uống phải có người đút vì chị không còn khả năng há được miệng.

30 năm trời chị sống trong cảnh như một người câm. Ăn, uống của chị trong những năm qua chỉ thực hiện theo cách duy nhất là đút từng hạt cơm vào miệng rồi uống nước, hoặc thực phẩm xay nhuyễn qua ống hút. Đó là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Dậu, 46 tuổi, quê huyện Mê Linh- Hà Nội, 30 năm không há được miệng.

Quả ổi “cướp” tuổi thanh xuân

Phòng bệnh 304 (Khoa Phẫu thuật tạo hình- hàm mặt, BV Việt Nam- Cuba) không đông đúc như những khoa khác của bệnh viện.Trước mặt chúng tôi là một người phụ nữ có thân hình nhỏ bé, gầy tong teo. Chị là Nguyễn Thị Dậu vừa được các bác sĩ phẩu thuật “hàm” cách đó mấy ngày đang nằm trên giường bệnh. Thấy chúng tôi tới thăm khuôn mặt chị có vẻ tươi tỉnh hơn nhưng vẫn chưa thể nói được. Tiếp chuyện với chúng tôi là người chị gái Nguyễn Thị Vân, người chăm sóc chị Dậu từ khi chị bắt đầu lên bàn mổ.

Chị Dậu sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, có đến 6 anh chị em. Từ thủa ấu thơ, do gia đình nghèo nên chị Dậu không được học hành tử tế, chỉ biết đến đồng áng và đi gánh gạch thuê cho các lò gạch thủ công. Đang tuổi ăn tuổi chơi thì bất ngờ năm chị Dậu lên 15 tuổi, chị trèo cây ổi hái quả ăn bị ngã xuống đập hàm vào thành giếng và bị gãy xương hàm.

Thoạt đầu chỉ thấy hai bên hàm chị Dậu sưng nhỏ nên mọi người trong gia đình chỉ khuyên lấy mật gấu bôi vào là khắc sẽ khỏi. Cũng vì sau khi bôi mật gấu không thấy đau nên gia đình cũng không đưa đi bệnh viện.Nhưng sự việc không đơn giản như thế. Kể từ ngày hôm đó và 30 năm tiếp theo chị đã phải sống chung với cảnh hai hàm răng khép chặt, không thể ăn uống, không há miệng được như người bình thường.

Mặc dù biết tổn thương nghiêm trọng nhưng gia đình nghèo khó lại ít được đi ra ngoài tiếp xúc với xã hội, với thông tin nên hơn 30 năm nay chị chỉ biết lặng thầm với hoàn cảnh của mình. Là người con gái đang ở độ tuổi thanh xuân nhưng với mặc cảm bệnh tật, ngày ngày chị chỉ biết trốn trong nhà làm lụng và đứng ngoài xa nhìn vào đám bạn chơi đùa. Chẳng mấy chốc, các bạn thân thiết cùng trang lứa lần lượt đi lấy chồng, nhìn cảnh họ được người bạn đời thương yêu đã nhiều lần chị phải nằm khóc một mình. Chị muốn lập gia đình và cũng không ít người dù biết hoàn cảnh éo le của chị nhưng vẫn đến ngỏ lời xin cưới chị làm vợ. Chính sự mặc cảm quá lớn khiến chị từ chối tất cả những người thương yêu. Chị bảo với những người thân là “không muốn họ phải khổ vì mình”.

“Là chị cả trong nhà nhiều lần nhìn em gái ngồi khóc một mình mà tôi cũng không cầm được nước mắt. Có hôm hai chị em lại ngồi ôm nhau khóc và động viên em mình cố gắng vượt qua. Tôi cũng nhiều lần khuyên em hay đi lấy một ai đó nhưng em nó không nghe”- bà Nguyễn Thị Vân, chị gái chị Dậu tâm sự.

Sống không có tiếng cười, chẳng có tiếng nói hàng ngày chỉ “ấm ớ” với cha mẹ trong nhà nhưng rồi lần lượt cha, mẹ cũng bỏ chị mà đi. Chị không chịu về sống chung với ai mà chị quyết định ở lại nhà thờ cúng cha,mẹ.

30 năm mới có cơ hội được cười 

Từ khi cha mẹ mất, chị tối ngày cặm cụi với việc đồng áng của nhà mình, rảnh rỗi thì đi giúp các anh chị em. Cảm thấy vẫn còn thừa quá nhiều thời gian mà cứ ngồi không là chị Dậu lại khóc, lại thấy cô đơn, hờn tủi. Chị quyết đinh đi gánh gạch thuê cho những lò gạch thủ công, ngày kiếm thêm được vài chục nghìn đồng dành dụm khi đau ốm, bệnh tật.

Cứ thế, chị sống đơn độc, lay lắt cho qua ngày đoạn tháng vì nghĩ rằng đến cuối đời cũng không còn cơ hội nào chữa được bệnh. Nhưng một hôm, đang đi làm đồng thì chị Dậu thấy đau bụng dữ dội. Thấy vậy, những người làm đồng vội vã đưa chị đi bệnh viện tuyến huyện. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ bảo chị bị xoắn ruột phải mổ gấp không nguy hiểm đến tính mạng. Ở đây, các bác sĩ cũng biết đến chuyện chị không thể há miệng và khuyên đi bệnh viện chuyên khoa để khám. Nhưng nghĩ cảnh nghèo nên chị tặc lưỡi nghĩ lướt qua.

Mấy năm sau đó, cuộc sống cô đơn trong ngôi nhà rộng mà chỉ có một mình cũng chán nản. Hàng ngày, đi làm về nhìn lũ trẻ con hàng xóm chơi đùa trong thâm tâm chị nhen lên ý định xin một đứa con để nuôi. Rồi một đêm mưa gió, những khát khao trong người phụ nữ hàng chục năm trời đang đè nén ấy chợt bùng cháy. Chị cùng người đàn ông mà chuyện chỉ có hai người biết ấy đã đến với nhau vô điều kiện.

Mặc những dị nghị, mặc những lời qua tiếng lại rồi cả lời an ủi, động viên, chị có bầu. Năm 1996,những ước mơ, thèm khát đau đáu nhiều năm của chị cũng được thỏa đáp, chị sinh đứa bé trai kháu khỉnh. Tuy không phải là kết quả của một tình yêu, nhưng với chị Dậu đây là niềm vui duy nhất để chị vượt qua tất cả khó khăn.

Chị tên con là Nguyễn Văn Quý, đứa bé lớn lên ngày càng khôi ngô và khỏe mạnh. Ai cũng biết chị Dậu vui đến mức nào. Chị Dậu cũng không cần quan tâm đến cảnh éo le, khó chịu suốt hàng chục năm của mình. Chị cố gắng làm việc nuôi con ăn học nhưng học hết lớp 9, hoàn cảnh khó khăn Quý không theo học nữa mà vào Nam bán rau quả cho bác ruột. Cũng từ nguyên nhân này mà chị Dậu lại có cơ hội được cười, được nói sau 30 năm “câm nín”.

Năm 2011 trong một chuyến vào thăm con ở miền Nam, chị đã được chỉ dẫn về việc phẩu thuật hàm của mình. Tham khảo thêm thông tin, chị biết rằng bệnh của mình có thể phẫu thuật chữa khỏi hoàn toàn. Đây là việc mà chỉ có trong mơ chị mới dám nghĩ tới. Theo chỉ dẫn của các bác sĩ một bệnh viện, chị đi vay mượn, nhờ anh em giúp đỡ gom được số tiền 30 triệu đồng và quyết định đi phẫu thuật. Đầu năm 2013, chị đã đi khám tại các bệnh viện Hà Nội và được giới thiệu tới bệnh viện Việt Nam- CuBa để làm phẫu thuật tạo hình Hàm mặt.

Người phụ nữ hơn 30 năm không há được miệng

Các bác sĩ đang gây mê cho chị Dậu.

Ngày 28-3, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cuba) đã tiến hành phẫu thuật tách hàm cho bệnh nhân Nguyễn Thị Dậu. Theo các bác sĩ, thì ca phẫu thuật tương đối phức tạp, việc gây mê cho chị Dậu cũng hết sức khó khăn. Các phẫu thuật viên đã gỡ dính, bóc tách phần khớp xơ hóa của hai bên hàm bằng búa và các dụng cụ để đục đẽo phần xương, cơ đã bị xơ hóa. Sau đó, lấy vật liệu tự thân là phần mỏm vẹt (góc trong hàm dưới) tạo hình lại ổ khớp để bệnh nhân há, ngậm miệng bình thường.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng. Các bác sỹ cho biết, khoảng 2 tuần sau phẫu thuật, chị Dậu sẽ được tập phục hồi chức năng với các động tác miệng và khả năng hồi phục là rất cao. Vậy là sau 30 năm trời “câm nín” chị Dậu đang chờ đón niềm vui lớn của cuộc đời mình.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt cho biết: “bệnh nhân Dậu bị chứng khít hàm sau chấn thương. Phần quay xương hàm để giúp mở miệng bị dính chặt nên bệnh nhân không thể mở miệng.Với bệnh nhân này, phần gây mê là khó khăn nhất. Trước khi phẫu thuật, chúng tôi đã tiến hành gây mê thử. Vì bệnh nhân không thể há được miệng nên phải gây mê “mò”, sau đó sẽ rạch vết mổ từ sau mang tai của hai bên để tách hàm. Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam phẫu thuật bằng vật liệu tự thân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ hơn 30 năm không há được miệng