Ngày Sức khỏe Thế giới 2015: Đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam là một thách thức

Đỗ Huyền| 08/04/2015 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chọn chủ đề “An toàn thực phẩm”.

Bởi lẽ, các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra lấy đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người mỗi năm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, an toàn thực phẩm cũng là vấn đề rất đáng lo ngại.

Cam kết cải thiện

Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 năm nay là dịp để Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Việt Nam về cam kết cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam; đồng thời, thúc giục tất cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất hãy tuân thủ an toàn thực phẩm để bảo vệ sinh mạng và nâng cao sức khỏe của người dân.

Ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả người tiêu dùng và nhà sản xuất trong chuỗi liên tục của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Các nhà sản xuất, các nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam cần phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh trong khi người tiêu dùng cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực hành tốt về an toàn thực phẩm.

Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh - từ tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như ung thư. Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em và người già.

Những ví dụ về thực phẩm không an toàn bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và không được nấu chín kỹ, trái cây và rau quả bị nhiễm phân, và các loài có vỏ từ biển chứa các độc tố sinh học.

Năm 2014 có 5000 người bị ngộ độc

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2014, đã có 194 vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo tại Việt Nam, khiến trên 5000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong. So với năm 2013, số người bị ảnh hưởng hay nhập viện bởi ngộ độc thực phẩm đã giảm đi.

Ngày Sức khỏe Thế giới 2015: Đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam là một thách thức

Một doanh nghiệp sản xuất rau sạch được quốc tế quan tâm

Ở một địa bàn trọng điểm, đông dân cư là Tp HCM, tình trạng mất an toàn thực phẩm cũng khá điển hình. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, thừa nhận: “Vẫn còn những vấn đề cần nói, đó là: lượng nông sản, thực phẩm đưa vào tiêu thụ ở TP mỗi ngày chiếm 80%, nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc. Việc kiểm soát chủ yếu là qua test nhanh và lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, nhưng số lượng mẫu lấy không nhiều, không mang tính đại diện; tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, việc giết mổ gia súc gia cầm trái phép vẫn diễn ra. Gia súc gia cầm kém chất lượng vẫn tiếp tục đổ về TP.HCM qua các cửa ngõ, các tỉnh lân cận, khó kiểm soát; tình trạng dùng nguyên liệu kém chất lượng trong chế biến suất ăn sẵn...”.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, nhận xét: “Việc quản lý chất lượng các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng trong nước vẫn còn lỏng lẻo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Chúng ta chưa quản lý được phụ gia thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán chung với hóa chất, phụ gia dùng cho công nghiệp, tạo điều kiện cho việc mua bán hóa chất, phụ gia kém chất lượng, dẫn đến nguy cơngộ độc thực phẩm...”. GS Sơn dẫn chứng số liệu ngộ độc thực phẩm những năm qua cho biết, năm 2012 cả nước có 168 vụ khiến 5.541 người bị ngộ độc, 34 người tử vong; năm 2013 có 5.348 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 163 vụ; và 6 tháng đầu năm 2014 xảy ra 56 vụ khiến 1.874 người nhập viện, 16 người tử vong.

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam là một thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh của đất nước. Những căn bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra đã cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, và gây tổn hại cho nền kinh tế, lĩnh vực du lịch và thương mại quốc gia. Chuỗi cung cấp thực phẩm càng ngày càng chạy qua nhiều biên giới quốc gia, do đó, việc phối hợp giữa Việt Nam và các nước láng giềng là rất quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

5 thông điệp giúp thực phẩm an toàn hơn

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nâng cao an toàn thực phẩm. Một chiến lược quốc gia tới năm 2020 (được thông qua vào năm 2011) đã đưa ra đường hướng vững mạnh và Luật An toàn thực phẩm sửa đổi xác định lại vai trò và trách nhiệm của các bộ khác nhau liên quan đến an toàn thực phẩm, cũng như giới hạn số lượng các bộ liên quan. Bộ Luật hỗ trợ việc đảm bảo sự an toàn của thực phẩm bằng cách đưa các bên tham gia vào chuỗi liên tục thực phẩm, từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển tới tiêu dùng.

Hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất trong chuỗi thực phẩm là vấn đề trọng tâm của việc nâng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì thế, với chủ đề "An toàn thực phẩm", năm nay WHO và Bộ Y tế nước ta đưa ra 5 thông điệp giúp thực phẩm an toàn hơn. Đó là giữ vệ sinh sạch sẽ - rửa sạch tay và giữ sạch sẽ bề mặt nơi chế biến thức ăn; Bảo quản riêng biệt thức ăn chín và thực phẩm sống; Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2015 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2015  với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Sức khỏe Thế giới 2015: Đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam là một thách thức