Mưa nhiều, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng vọt

Đắc Chuyên| 05/10/2015 07:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn đẻ trứng và nở ra rất nhiều muỗi, cộng với môi trường có mầm bệnh là nguyên nhân gây nên sự gia tăng về số ca sốt xuất huyết.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đại đa số tiếp nhận những ca sốc hoặc cảnh báo sốc sốt xuất huyết. Trong vài ngày trở lại đây, Bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải cục bộ, buộc phải cho bệnh nhân nằm ghép. Theo số liệu thống kê mới nhất, có ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 16 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4-5 ca nặng được chuyển bằng xe cấp cứu từ các cơ sở y tế tuyến dưới lên. PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, trong gần 40 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước, số ca nặng chiếm khoảng 4%.

Để khắc phục tình trạng quá tải, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã huy động các phòng, khoa dành giường bệnh cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Mặc khác, bệnh sốt xuất huyết và việc điều trị bệnh diễn ra trong thời gian ngắn, nên tình trạng quá tải sớm được giải quyết.

Mưa nhiều, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng vọt

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói rằng cách phòng, chống sốt xuất huyết tốt nhất là người dân bằng mọi cách không để muỗi đốt

Năm nay, với tính chất phức tạp ngày càng gia tăng, dịch sốt xuất huyết bùng phát trên toàn quốc ở cả trẻ nhỏ và người lớn với gần 40 nghìn ca và 25 trường hợp tử vong. PGS.TS Nguyễn Văn Kính thẳng thắn chia sẻ, chỉ cần để xảy ra 1 ca tử vong cũng cần phải xem xét một cách tỉ mỉ để rút kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết, vì dịch sẽ còn diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính cũng cảnh báo, nếu có các biểu hiện như sốt cao từ 39 độ trở lên, ly bì, liên tục từ 2-7 ngày mà đang sống trong vùng dịch sốt xuất huyết thì phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, từ ngày thứ 3 trở đi người bệnh có thể xuất hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết ở niêm mạc mắt, chân răng, nhức đầu dữ dội, nôn, đau tức vùng gan, tiêu chảy hoặc là xuất huyết thành từng mảng, thậm chí là tiêu chảy thì phải đến ngay bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, sốt xuất huyết nặng hay nhẹ phụ thuộc vào khả năng kháng bệnh của từng người, nếu được phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn.

Với loại bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu như sốt xuất huyết, thì người dân phải tự cứu mình trước bằng cách nâng cao ý thức tự phòng bệnh cá nhân và cộng đồng.

Cụ thể, người dân bằng mọi cách không để cho muỗi vằn đốt, loại bỏ các dụng cụ chứa nước để muỗi vằn không có nơi đẻ trứng, hợp tác với y tế để phun thuốc diệt muỗi. Có thể phòng, chống muỗi đốt bằng cách dùng hương trừ muỗi, thoa kem chống muỗi, đi ủng, mặc quần áo dày chống muỗi khi đi vào vùng có nhiều muỗi, khi ngủ phải mắc màn… 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa nhiều, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng vọt