Lạm dụng thuốc giảm cân: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Thảo Nguyên| 16/11/2017 10:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với nhiều người thuốc giảm cân chính là “tiên dược” vì có thể mang lại thân hình thon gọn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ít người biết rằng nếu lạm dụng hoặc mua phải những loại thuốc giảm cân kém chất lượng thì sẽ có nguy cơ bị đột quỵ, tử vong...

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam hiện nay có khoảng trên 100 loại thuốc giảm cân đang được lưu hành. Ngoài ra, còn rất nhiều các loại thuốc giảm cân tự chế không nhãn mác khác đang được bày bán tràn lan trên mạng. Nhiều chị em đã ham rẻ sử dụng một cách vô tội vạ và kết quả là không những không giảm được cân, mà tính mạng còn bị đe dọa.

Được bạn mách một loại thuốc giảm cân, chị Thủy (Hải Dương) đã dùng ngay. Sau khi uống vài viên, chị lúc nào cũng thấy đầy lên cổ họng nên chả thiết ăn uống gì. Nhưng một tháng sau, chị phải vào viện vì suy nhược cơ thể.

Cũng như chị Thủy, nhiều phụ nữ đã suy sụp khi sử dụng thuốc giảm cân như "cứu cánh" để lấy lại vóc dáng mảnh mai.

"Hàng xách tay đấy, em cứ về dùng thử, chỉ 2 tuần là hiệu quả ngay, sẽ giảm được 5 kg mà không gây mệt mỏi và cũng không cần ăn kiêng hay tập thể dục đâu". Nghe lời quảng cáo của người bán hàng, Hoa - một nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội chẳng ngần ngại rút 500.000 đồng mua hơn 10 viên thuốc giảm cân.

Mấy ngày đầu uống thuốc, Hoa thấy người hơi mệt nhưng cô rất vui vì người gầy đi được một chút. Tuy nhiên, 4 ngày sau, Hoa lại thấy bụng mình tóp đi vì luôn phải "túc trực" trong nhà vệ sinh. Cô còn cảm thấy buồn nôn và chóng mặt. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong mấy ngày sau đó khiến Hoa bơ phờ và không dám dùng thuốc nữa.

Lạm dụng thuốc giảm cân: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Nhiều người lạm dụng thuốc giảm cân với mong muốn có thân hình thon gọn như ý.

Hay như trường hợp của nữ diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng - Jang Na Ra, theo tiết lộ của bố cô,  để tham gia đóng một bộ phim Jang Na Ra đã phải dùng liều thuốc sổ khá mạnh để có thể giảm được từ 45 xuống còn 38 kg. Biện pháp giảm cân này khiến nữ diễn viên xinh đẹp gặp một số vấn đề liên quan đến tim mạch. Và trong thời gian đóng phim ở Trung Quốc, Jang phải nhập viện do thiếu máu trầm trọng.

Trước đó, cũng là để tham gia đóng một bộ phim, Jang Na Ra cũng đã từng dùng đến biện pháp giảm cân tương tự.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu thuốc giảm cân được lưu hành. Thuốc giảm cân thường được chia làm 3 loại chính: Thuốc làm no ống tiêu hóa, thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo trong cơ thể và thuốc gây không muốn ăn.

Với những đặc điểm trên, mỗi loại thuốc có một nguyên tắc hoạt động khác nhau, tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này đều gây ra những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe.

Nếu chúng ta quá lạm dụng, nó có thể gây nghiện dẫn tới việc sử dụng chất kích thích khác. Khi ngưng sử dụng, người dùng có thể rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý, chán nản, muốn tự tử,.. Đặc biệt, với những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng nhãn huyết áp khi sử dụng còn có nguy cơ bị suy tim, mù mắt,…

Nhiều người biết rõ tính chất hai mặt của việc giảm cân bằng thuốc nhưng vẫn lựa chọn phương pháp này. Bởi lý do vô cùng cám dỗ là thuốc giảm cân sẽ không mất nhiều thời gian, không cần áp dụng chế độ ăn kiêng khắt khe và khổ sở chống chọi với cảm giác thèm ăn, không phải bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để tập luyện vất vả mà vẫn có được vóc dáng mong muốn.

Chuyên gia nói gì?

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, thừa cân, béo phì là do quá trình ăn uống thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng nhưng lại không có sự vận động thích hợp để tiêu hao năng lượng. Vì vậy, để giảm cân phải đồng thời tác động đến 2 yếu tố: chế độ dinh dưỡng hợp lý và chế độ tập luyện thể dục thích hợp.

Nếu chỉ dùng thuốc giảm béo khi chế độ ăn uống, luyện tập không kiểm soát được trọng lượng hoặc những người có vấn đề sức khỏe như các bệnh lý về tim mạch (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột qụy não), xương khớp... những loại thuốc trên đều có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe người sử dụng, trong đó nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn.

Lạm dụng thuốc giảm cân: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai),

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thuốc giảm cân cấp tốc thường có công dụng làm giảm cảm giác thèm ăn, gây chán ăn để hạn chế tối đa nguồn năng lượng nạp vào. Khi thiếu năng lượng cho hoạt động sống, cơ thể buộc phải cắt nguồn năng lượng dự trữ từ gan, cơ, sau cùng mới đến mỡ, gây rối loạn chuyển hóa. Việc chuyển hóa đạm dự trữ trong cơ thể quá nhiều còn gây tổn hại, gây ra bệnh gan, thận đồng thời suy giảm chức năng của nhiều cơ quan khác.

BS Nguyên cho hay, tại bệnh viện, đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, men gan tăng cao do phản ứng với thuốc giảm cân mà bệnh nhân đã dùng trước đó.

Cũng theo BS Nguyên, sử dụng thuốc giảm cân người dùng sẽ bị mất khối cơ, cơ thể không có sức bền dẫn đến năng suất lao động kém, giải quyết công việc kém, dễ sai sót, dễ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông... Mặt khác, với việc dùng thuốc gây chán ăn khiến cơ thể thường xuyên ở trong tình trạng hạ đường huyết ảnh hưởng đến khả năng tập trung, tư duy, ghi nhớ. Lượng đường trong máu nếu xuống quá thấp, hoạt động của tế bào thần kinh sẽ bị rối loạn vì thiếu nguồn cung năng lượng khiến bệnh nhân nhanh chóng đi vào hôn mê và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị tích cực.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người tiêu dùng không nên lạm dụng thuốc giảm cân, không sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy phép chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra để cơ thể khỏe mạnh và cân nặng hợp lý người dân hãy xây dựng cho mình một chế độ luyện tập hợp lý kết hợp sử dụng các loại rau, củ, quả đảm bảo chất lượng, hạn chế sử dụng các loại sản phẩm từ đường, nước ngọt có ga, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng thuốc giảm cân: Lợi trước mắt, hại lâu dài