Kết luận về 2 ca viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm A/H5N1

Thảo Nguyên| 11/02/2019 21:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, cả 2 ca bệnh này mắc cùng lúc 2 chủng virus cúm mùa nhưng âm tính với cúm gia cầm.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm (A/H5N1) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo đó, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 7/2/2019 cho kết quả đồng nhiễm cúm A(H1N1) pdm 09 và cúm B. Đây là các chủng cúm mùa thông thường, hiện các trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại bệnh viện.

Như vậy, 2 ca nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm H5N1 đã được loại trừ, bệnh nhân nhiễm cúm mùa nhưng biểu hiện nghiêm trọng và vẫn đang được điều trị cách ly.

Kết luận về 2 ca viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm A/H5N1

Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm H5N1

Trước đó, như báo Công lý đã đưa tin, ngày 6/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm nguy hiểm. Một trường hợp bệnh khởi phát ngày 30/1 và vào viện ngày 1/2. Trường hợp còn lại khởi phát ngày 1/2 và vào viện ngày 4/2.

Cả 2 đều nhập viện trong tình trạng rất nặng và được điều trị tích cực. Hiện, các trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại bệnh viện.

Được biết, sau khi có thông tin về 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm, các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương và cơ sở y tế tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân đã tiến hành khử trùng môi trường và đang theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc gần với 2 người bệnh này.

Theo Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm nào xảy ra trên gia cầm.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

4. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết luận về 2 ca viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm A/H5N1