Hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân bị vật sắc nhọn cứa vào cổ

BS Trần Thu Thủy, BV Nhi Trung ương| 26/09/2016 10:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu được sơ cứu đúng cách và kịp thời những nạn nhân bị vật sắc nhọn cứa vào cổ có thể được cứu sống.

Đa số các chấn thương nhẹ gây chảy máu như vết cắt, vết trầy thường không nghiêm trọng. Trường hợp động mạch hoặc tĩnh mạch lớn bị tổn thương như tĩnh mạch cảnh ở cổ, thì nạn nhân có thể bị chảy máu trầm trọng, tính mạng bị đe dọa. Nếu được sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể góp phần cứu sống người bệnh.

Mục đích chính của việc sơ cứu và chăm sóc cấp cứu một vết thương là cầm máu hoặc khống chế sự chảy máu; Phòng hoặc điều trị sốc; Duy trì các chức năng sinh tồn (giúp nạn nhân thở và lưu thông tuần hoàn) và tránh các biến chứng (đặc biệt là giảm nguy cơ nhiễm khuẩn).

Hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân bị vật sắc nhọn cứa vào cổ

Khi bị các vật sắc nhọn như tôn cứa vào cổ, nếu được sơ cứu kịp thời nạn nhân có thể được cứu sống

Khi bị chảy máu ngoài, nguyên tắc chung là phải ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu. Nếu có điều kiện thì đặt lên vết thương một miếng gạc hoặc miếng vải sạch trước khi ép trực tiếp.

Nếu vết thương chảy máu nhiều, đừng lãng phí thời gian tìm kiếm băng gạc, hãy dùng chính bàn tay của bệnh nhân hay bàn tay của bạn để ép vết thương lại (nếu nạn nhân không thể tự làm việc này).

Sau đó nâng cao vùng bị tổn thương. Rồi đặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái thuận tiện, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu tới vùng này.

Dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức ga rô.

Trường hợp, nếu các vết thương chảy máu có dị vật như mảnh gỗ, kim loại hoặc bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương thì không được rút dị vật ra. Mà phải bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương sát với dị vật.

Dùng miếng vải vuông hoặc một khăn tam giác quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật, sau đó dùng băng ép lại như với vết thương không có dị vật, chú ý không gây áp lực trực tiếp lên dị vật.

Trong quá trình sơ cứu để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối. Kể cả khi bị thương ở tay hay nửa trên của người, bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi trong tư thế thuận tiện ít nhất 10 phút để giúp cầm máu. Giữ yên tĩnh cho nạn nhân, động viên an ủi nếu nạn nhân tỉnh táo.

Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Nếu vết thương nhỏ và nạn nhân có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy thông thường thì chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần đó. Nếu vết thương nặng hay tình trạng nạn nhân xấu thì gọi cấu cứu 115 càng sớm càng tốt. Trong khi chờ đợi hoặc trên đường vận chuyển phải theo dõi sát tình trạng hô hấp, tuần hoàn của nạn nhân. Giữ ấm cho nạn nhân.

Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các loại dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể. Nếu không có găng thì dùng túi nilon thông thường để thay thế.

Nếu máu thấm qua gạc và băng thì dùng lớp băng thứ hai quấn chặt lên lớp băng cũ. Với các vết thương chảy máu quá mạnh không thể kiểm soát, cần nhanh chóng thay lớp gạc và băng thứ nhất đã sũng máu bằng lớp gạc và băng mới. Máu không cầm được có thể là do tấm gạc thứ nhất dùng để chèn vết thương đã bị trượt khỏi vị trí ban đầu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân bị vật sắc nhọn cứa vào cổ