Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết đã chững lại

Thảo Nguyên| 27/10/2017 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tạm lắng, tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành y tế Hà Nội, vẫn chưa thể chủ quan với dịch.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 22/10, cả nước có 148.261 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, tuần vừa qua ghi nhận 862 ca mắc sốt xuất huyết, tức đã giảm 159 ca so với tuần trước đó và giảm 2.707 (tức giảm 75,8%) so với tuần cao điểm nhất, không ghi nhận thêm ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi là 33.990 người (chiếm 97,8%), còn 781 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết đã chững lại

Phun thuốc chặn sốt xuất huyết lây lan ở ổ dịch Hà Nội 

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm 80% (từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày). Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, thời tiết hiện tại vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển, vì vậy Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Riêng khu vực bị ngập do ảnh hưởng của đợt lũ lụt vừa qua là huyện Chương Mỹ, huyện Mỹ Đức, đang được Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.

Theo dự báo của các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tiếp tục được khống chế, không có đỉnh dịch thứ 2 nếu duy trì các hoạt động chống dịch quyết liệt như hiện nay.

Để ngăn chặn dịch thành công, ngành y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, tiếp tục kiểm tra, vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngăn ngừa lăng quăng/bọ gậy, tự phòng tránh muỗi đốt, tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch.

Về bệnh tay chân miệng, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết giao mùa hiện nay bệnh tay chân miệng ở trẻ có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành đề nghị triển khai chống dịch.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 54.000 ca, không trường hợp nào tử vong.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết đã chững lại