Đến năm 2020, bệnh viện tuyến trung ương bắt buộc có đơn vị công tác xã hội

Thảo Nguyên| 14/06/2017 19:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải đưa hoạt động công tác xã hội trở thành một trong những nội chính trong tiêu chí đánh giá đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế.

Tại hội nghị sơ kết và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện diễn ra vào ngày 14/6, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, nếu như năm 2010 cả nước chỉ có 10 bệnh viện (BV) thành lập đơn vị công tác xã hội, đến nay đã có hơn 80% BV có đơn vị này.

Theo ông Sơn, Đề án 32 Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2010-2016 đã đạt được mục tiêu là hình thành và phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đến năm 2020, bệnh viện tuyến trung ương bắt buộc có đơn vị công tác xã hội

Cán bộ Phòng Công tác xã hội tham gia hướng dẫn bệnh nhân khám tại BV Việt Đức

Theo Bộ Y tế, nhiều phòng công tác xã hội trong các bệnh viện đã triển khai hoạt động tích cực và hiệu quả như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.

Nhiều đơn vị công tác xã hội đã hoạt động tích cực, hiệu quả cao, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề tâm lý cho người bệnh và thân nhân như tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh quy trình thủ tục khám, chữa bệnh; giải thích, tư vấn về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; vận động tài trợ hỗ trợ vật chất cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt nhiều nơi đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, coi bệnh nhân là khách hàng.

Ông Sơn gợi ý phòng công tác xã hội trong các bệnh viện nên đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho những người ở bên ngoài có nhu cầu chăm sóc người bệnh trong bệnh viện để họ trở thành một lực lượng như trợ lý điều dưỡng.

“Thực tế hiện nay, nhiều gia đình thuê người ngoài vào bệnh viện chăm sóc người nhà của mình. Đây là những người có nhu cầu làm công việc chăm sóc bệnh nhân. Phòng công tác xã hội trong các bệnh viện có thể tập hợp những người này để đào tạo, huấn luyện giúp họ có chuyên môn trong việc chăm sóc bệnh nhân. Họ giống như là một trợ lý điều dưỡng”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, hoạt động công tác xã hội trong BV còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, số lượng nhân viên công tác xã hội còn hạn chế, lại phải chịu nhiều áp lực cao trong công việc như thời gian tiếp đón lâu, tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng không hài lòng, có nhiều bức xúc… khiến cho việc tuyển dụng nhân sự khó khăn.

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo của các bệnh viện vẫn chưa nhận thức đúng về hoạt động công tác xã hội, vì thế chưa có sự đầu tư xứng tầm cả về nhân sự lẫn kinh phí hoạt động, nhất là tại các bệnh viện tự chủ về tài chính, nhân sự.

Theo mục tiêu của Bộ Y tế, đến hết năm 2020, phòng công tác xã hội phải được thành lập tại 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã đưa hoạt động công tác xã hội trở thành một trong những nội dung chính trong tiêu chí đánh giá đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2020, bệnh viện tuyến trung ương bắt buộc có đơn vị công tác xã hội