Cứu thành công bệnh nhân bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”

Chí Tâm| 17/09/2019 18:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa cứu thành công một bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch do nhiễm vi khuẩn Whitmore (còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người").

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, đã tiếp nhận bệnh nhân Vi Văn L. (ở huyện Lục Yên, Yên Bái) nhập viện ngày 9/9 trong tình trạng sốt cao kèm theo run và đau bụng. Các chỉ số sinh tồn giảm mạnh, nhưng chẩn đoán lâm sàng thì không phát hiện được cơ quan nào của bệnh nhân bị viêm nhiễm tương xứng.

Bệnh viện đã tiến hành nuôi cấy định danh vi khuẩn, nhưng không có kết quả. Ngày 12/9, các y, bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành nuôi cấy định danh vi khuẩn lần 2 cho bệnh nhân.

Đến ngày 14/9, bệnh viện đã phát hiện ra vi khuẩn Whitmore trong người bệnh nhân. Ngay sau đó, bệnh nhân L. được điều trị theo phác đồ và kháng sinh đặc hiệu liều cao. Hiện các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đang tiến triển tốt, không còn nguy hiểm đến tính mạng.

Cứu thành công bệnh nhân bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”

Bệnh nhân nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" được cứu thành công tại Yên Bái

ThS.BSCKII Nông Văn Hách - Trưởng khoa Nội AB, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay bệnh viện đã phát hiện ra 8 ca nhiễm vi khuẩn Whitmore. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện 6 ca nhiễm bệnh, trong đó có 4 trường hợp đã tử vong; 1 ca chữa trị thành công là bệnh nhân Nguyễn Văn Quỳnh (36 tuổi, ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên) và 1 ca đang điều trị tại viện.

Theo BS Hách, vi khuẩn Whitmore thường tập trung ở môi trường đất và nước, phát triển mạnh vào mùa mưa. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể con người qua vết thương hở hoặc khi hít phải. Hiện không có vắc xin đặc trị và phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhưng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị thành công cho người bệnh.

BS Hách cũng khuyến cáo người lao động phải có bảo hộ lao động thật tốt để hạn chế tiếp xúc của da với môi trường, nhất là các vết thương phải điều trị dứt điểm để đề phòng vi khuẩn Whitmore. Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt cao, rét run và kèm theo mệt mỏi rất là nhiều, nên đi khám sớm, đừng nên để quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu thành công bệnh nhân bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”