Cúm mùa "hoành hành", cẩn trọng khi dùng kháng sinh cho trẻ

Thảo Nguyên| 21/01/2018 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tự ý dùng thuốc, lạm dụng quá mức thuốc kháng sinh sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ.

Thời điểm mùa Đông Xuân như hiện nay rất thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm. Trong 2 tuần qua, đã có hàng trăm bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm tại các bệnh viện ở Hà Nội phải nhập viện điều trị.

Được nhận định là bệnh dịch có mức độ lây lan rất cao, không có thuốc đặc trị, cúm mùa đang "hoành hành" với con số bệnh nhân mắc bệnh đáng báo động. Đặc biệt là trẻ nhỏ - đối tượng có nhiều nguy cơ bị biến chứng do cúm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời tiết lạnh giá như hiện nay khiến nhiều trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là cúm mùa, ho, viêm họng… Tuy nhiên, thói quen tự ý mua thuốc về điều trị bệnh cho con, cho con dùng thuốc không đúng chỉ dẫn của bác sĩ của các bậc làm cha, làm mẹ cũng đang hủy hoại sức khỏe của con mình, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Cúm mùa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS Dũng, có đến 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Có em mới chỉ 2-3 tuổi, bị viêm phổi nhưng bác sĩ phải kê đến kháng sinh cực mạnh mới khỏi. Đã có trường hợp bệnh nhi 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi tử thần.

Đa phần các trường hợp này là do khi phát hiện thấy con ho, sốt, bố mẹ tự ý ra hiệu thuốc kể bệnh của con rồi nhờ người bán thuốc tư vấn. Khi dùng kháng sinh khoảng 2, 3 ngày không đỡ, thay vì việc đưa con vào viện để bác sĩ khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị đúng bệnh thì nhiều bậc phụ huynh lại tiếp tục tìm ra hiệu thuốc để mua loại khác tốt hơn, đắt tiền hơn cho mau khỏi. Thế nhưng, họ không hiểu nếu không điều trị đúng bệnh thì thuốc kháng sinh nào cũng là làm hại con cả.

"Vì thế có em nhập viện chỉ viêm đường hô hấp nhưng do kháng kháng sinh nên điều trị mãi không khỏi, đã chuyển sang viêm phổi cấp. Với những ca này các bác sĩ đều rất khó khăn, phải thay đổi phác đồ điều trị, dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, liều cao hơn mặc dù nghe qua bệnh thì khá đơn giản", PGS Dũng chia sẻ.

Trẻ nhỏ thường xuyên mắc các bệnh đường hô hấp, nguyên nhân chủ yếu là nhiễm virus. Sử dụng kháng sinh thường xuyên khi không có dấu hiệu nhiễm khuẩn sẽ dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”. Khi đó, kháng sinh đã bị mất tác dụng tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của loại vi khuẩn đó.

"Cha mẹ cần chú ý cho con ăn uống đủ dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ, để bé được vui chơi, vận động thoải mái là những biện pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu để trẻ tăng sức đề kháng", PGS nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa sạch tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch; Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp; Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người; Che miệng khi ho; Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ.

Khi trẻ có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không được tự mua thuốc cho trẻ, đặc biệt là sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cúm mùa "hoành hành", cẩn trọng khi dùng kháng sinh cho trẻ