"Cò" bệnh viện lộng hành, thách thức ngành y tế tại TP.HCM

Chí Tâm| 08/02/2023 19:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng "cò" khám bệnh tại các bệnh viện luôn là thách thức đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người bệnh.

Ngày 8/2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thanh tra Sở vừa triển khai 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật của các phòng khám tư nhân xung quanh một số bệnh viện.

Kết quả kiểm tra năm phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân cho thấy, một phòng khám có dấu hiệu hoạt động của "cò" dẫn dụ bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Đó là 1 phòng khám chuyên khoa nội (ở gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở cũ) quận Bình Thạnh.

4 phòng khám còn lại tuy chưa phát hiện có dấu hiệu "cò" nhưng đều có vi phạm về các quy định chuyên ngành trong quá trình hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Mặc dù Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 đã chuyển sang cơ sở mới nhưng “cò” tại cơ sở cũ vẫn còn hoạt động.

Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các phòng khám có dấu hiệu liên kết với "cò" dẫn dụ bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Thực tế cho thấy, nạn "cò" tại các bệnh viện luôn là vấn đề nóng của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM. Những địa điểm thường có tình trạng này là các Bệnh viện Mắt, Da liễu, Ung bướu cơ sở 1, phòng khám Medic...

3 năm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị giảm nên những hoạt động mời chào, chèo kéo cũng giảm mạnh. Hiện số bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, là thời điểm để nạn môi giới tái diễn hoạt động.

"Đây là thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người bệnh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng môi trường phục vụ văn minh, hiện đại, nghĩa tình tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố", Sở Y tế TP.HCM nhận định.

Theo Sở Y tế TP.HCM, mặc dù ngành y tế và công an đã có nhiều nỗ lực phối hợp hoạt động để ngăn chặn nạn "cò bệnh viện" nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ sức để răn đe tệ nạn này tại các bệnh viện.

Để tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động của "cò bệnh viện", Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực đông người, nhất là khu vực đăng ký khám bệnh; tăng cường ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa.

Về lâu dài, Sở Y tế TP.HCM đưa mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, huy động nguồn lực tư nhân tham gia mở thêm nhiều cơ sở khám, chữa bệnh mới.

Thành phố cũng nghiên cứu cơ chế phối hợp công - tư với mô hình "chuỗi bệnh viện", "chuỗi phòng khám" của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối vốn luôn quá tải và là nơi “cò” luôn lợi dụng để hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cò" bệnh viện lộng hành, thách thức ngành y tế tại TP.HCM