Chuyên gia lưu ý việc sử dụng các loại mứt ngày Tết

Minh Đức| 29/01/2017 17:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mứt là món ăn truyền thống dùng đãi khách mỗi độ Xuân về. Nếu như bánh chưng - bánh dầy là món không thể thiếu vắng trong ngày Xuân thì mứt cũng như “cái hồn” không thể mất đi của Tết cổ truyền dân tộc.

Mứt - Vị thuốc ngày xuân

Mứt là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày tết; mọi người hay mời nhau một số loại mứt tết, bên chén trà xanh. Nếu ta thưởng thức chúng một cách thích hợp sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Dưới đây là những tác dụng có lợi cho sức khỏe của một số loại mứt điển hình.

Chuyên gia lưu ý việc sử dụng các loại mứt ngày Tết

Mứt gừng: Tác dụng làm ấm tỳ vị, chống nôn, giải độc, chữa ho.

Mứt tắc: Giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, chống nôn, giải độc rượu.

Mứt sen: An thần, giảm stress, chống suy nhược.

Mứt hồng: Chống suy nhược, chữa ho, tiểu đêm.

Mứt khoai lang: Nhuận trường, chống táo bón.

Mứt dừa: Nhuận tràng.

Mứt me: Giải khát, kích thích tiêu hóa, nhuận tràng.

Mứt cà chua, cà rốt: Giúp sáng mắt, đẹp da, ngừa ung thư tuyến tiền liệt.

Có thể coi mứt là các thực phẩm dinh dưỡng vì có chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể như đường bột, protein, axit hữu cơ, vitamin và khoáng chất, nhiều chất chống lão hóa tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt hơn là các nhóm hóa thực vật có tác dụng chống oxy hóa tế bào tăng cường lợi gan, thải độc cho cơ thể.

Lưu ý khi ăn mứt Tết

Vào những ngày đầu năm mới, những món ngọt này thường được dùng để cả gia đình nhâm nhi cùng nhau hoặc mời khách khi đến nhà chơi. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo người dân không nên ăn quá nhiều loại thực phẩm này dù nó rất ngon và hấp dẫn.

Chuyên gia lưu ý việc sử dụng các loại mứt ngày Tết

Những loại bánh kẹo mứt mặc dù thơm ngon những ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hoài Dung (BV Nhiệt đới TƯ) cho biết: "Mứt Tết vốn là món ăn cổ truyền trong dịp đầu năm. Mứt thường được làm từ các loại quả, củ như hồng, đào, bí, me, mận, gừng, khoai... Nếu quá trình làm mứt đảm bảo thì những thực phẩm này chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Nhưng thực tế, loại thực phẩm này chứa rất nhiều đường và không phải cứ ăn nhiều chất ngọt là tốt".

Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), các loại mứt thường được làm từ trái cây vốn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Để chế biến được thành mứt, các loại hoa quả sẽ phải trải qua nhiều công đoạn chế biến như tẩm ướp, ngào đường, sên đường ở nhiệt độ cao. Đối với nhiều loại trái cây, khi nấu trong nhiệt độ cao sẽ mất đi nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, thay vào đó là một lượng lớn đường.

Trước vấn đề trên, bác sĩ Dung cho biết: "Những loại mứt, kẹo theo tôi thấy thì các nhà sản xuất đã cố gắng giảm đi nhiều lượng đường nhưng độ ngọt vẫn khá cao. Những đối tượng như người bị bệnh tiểu đường, người già, những người có bệnh liên quan đến tăng huyết áp, tim mạch, chuyển hóa thì không nên ăn đồ ngọt như vậy".

Bác sĩ Dung cũng đưa ra lời khuyên về việc cho trẻ em ăn quá nhiều đường, kẹo bánh mứt thì có thể gây nghiện. "Chúng ta nên hạn chế cho trẻ ăn nhiều đường, cụ thể như các loại kẹo, bánh, mứt có độ ngọt cao. Vì nếu để trẻ ăn thỏa thích có thể hình thành thói quen ăn uống không tốt, ví dụ như bỏ bữa vì đường làm giảm độ ngon miệng trong bữa ăn chính hoặc phải đủ ngọt thì trẻ mới chịu ăn..."

Vào ngày Tết, các gia đình có thể thay thế các loại mứt, bánh, kẹo chứa nhiều đường bằng các loại hoa quả sấy khô, hoa quả tươi hoặc các loại hạt như hướng dương, hạt bí, hạt dẻ... chứa nhiều chất dinh dưỡng và cũng phù hợp để nhâm nhi trong ngày Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia lưu ý việc sử dụng các loại mứt ngày Tết