Cảnh báo bệnh nhân chủ quan với biểu hiện ẩn tinh hoàn

Đặng Hà| 28/11/2017 22:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nam bị lạc tinh hoàn và đau khi quan hệ.

Được biết, bệnh nhân nam tên Th., quê ở Hà Giang, từ nhỏ đã không sờ thấy tinh hoàn một bên nhưng do cuộc sống gia đình khó khăn và trình độ hiểu biết thấp nên gia đình không đưa đi khám. Tới tuổi trưởng thành do 1 phần xấu hổ và không thấy biểu hiện đau tức, khó chịu nên anh không đi khám bệnh.

Cảnh báo bệnh nhân chủ quan với biểu hiện ẩn tinh hoàn

Hình ảnh phẫu thuật

Và sau khi kết hôn, anh và vợ vẫn có hai đứa con nên càng chủ quan. Thời gian gần đây, anh thường xuyên bị đau tức ở bẹn, thỉnh thoảng chạy nhảy và làm việc gắng sức thì sờ thấy 1 cục nhỏ ở bẹn,; đặc biệt khi sinh hoạt vợ chồng anh bị đau.

Thời gian đau kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt và lao động, anh được vợ động viên đi khám tại bệnh viện đại học y. Ngay sau khi được bác sĩ thăm khám và chuẩn đoán ẩn tinh hoàn  và bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt tinh hoàn teo.

Trong khi đó, một bệnh nhân nam tên L. 25 tuổi,  Hà Nội, dẫu biết tinh hoàn ẩn ngay sau sinh nhưng bố mẹ anh được người thân tư vấn theo dõi đợi tinh hoàn chạy xuống, tuy nhiên đến nay 25 tuổi tinh hoàn vẫn ở ống bẹn.

Vào đại học, có điều kiện tiếp xúc thông tin qua mạng xã hội, anh mới biết về sự nguy hiểm của bệnh lý tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị sớm. Ngay khi thăm khám, bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân L phẫu thuật hạ tinh hoàn nội soi.

Trước sự chủ quan của bệnh nhân, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên – bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay: “Ẩn tinh hoàn nên mổ sớm vì nguy cơ bệnh ung thư, vô sinh…”.

Nguyên nhân – cơ chế dẫn đến ẩn tinh hoàn: Bất thường  của dây kéo tinh hoàn trong bào thai hoặc các nguyên nhân gây cản trở sự di chuyển của tinh hoàn như: Viêm phúc mạc kết bọc, sinh non,…

Loạn sản tinh hoàn, tinh hoàn không nhạy cảm với gonadotrophin; Thiếu sự kích thích của gonadotrophin, nên adrogen của tinh hoàn không phát huy tác dụng.

Hoặc ống bẹn rộng, tinh hoàn thiếu các thành phần cố định nên tinh hoàn di động, co rút từ bìu lên ống bẹn ổ bụng; Tinh hoàn khi di chuyển đã bị kéo lạc ra ngoài đường đi bình thường trong quá trình phôi thai…

Bác sĩ Liên khuyến cáo: “Nếu những người bị tinh hoàn ẩn không điều trị có nguy cơ dẫn đến các hậu quả: Teo tinh hoàn; Giảm số lượng tinh trùng, vô tinh; Loạn sản, ung thư hóa tinh hoàn lạc chỗ; Chấn thương tinh hoàn lạc chỗ, xoắn thừng tinh… Rối loạn tâm lý, giảm khả năng tình dục.

Điều trị: 

Trẻ nhỏ: Hiện nay các trẻ được phát hiện ngay sau sinh được theo dõi và điều trị bằng hormone tới 1 tuổi nhưng hiệu quả cũng chỉ đạt hiệu quả tới 40% cho những trường hợp tinh hoàn ẩn ở lỗ bẹn nông, hoặc ổ ống bẹn. Và bệnh nhân cũng phải chấp nhận những tác dụng phụ của hormone khi sử dụng.

Do vậy quan điểm của các nhà ngoại nhi thì ẩn tinh hoàn mổ càng sớm càng tốt nếu như điều kiện gây mê hồi sức cho phép.

Nên mổ trước 2 tuổi, tránh biến chứng teo tinh hoàn, ảnh hưởng tới ống sinh tinh.

Tại các trung tâm nhi khoa lớn, hoặc các bệnh viện có khoa gây mê và hồi sức lớn thì trẻ có thể tiến hành mổ hạ tinh hoàn cho trẻ lớn hơn1 tuổi bằng các phương pháp:

Mổ mở, mổ vi phẫu; Hạ tinh hoàn nội soi.

Trẻ lớn, nam trưởng thành: Mổ càng sớm càng tốt, sau đưa tinh hoàn về bìu và theo dõi các nguy cơ teo tinh hoàn, ung thư hóa,…

Cắt bỏ tinh hoàn: Khi ung thư hóa, khi đã đủ con và sinh thiết tức thì có loạn sản hoặc nằm cao trong ổ bụng không có khả năng hạ tinh hoàn xuống bìu.

Hiện nay chẩn đoán sớm tinh hoàn lạc vị trí rất tốt, tỷ lệ trẻ nam được điều trị sớm rất cao và đạt kết quả tốt tại các cơ sở y tế chuyên sâu như: BV nhi TW, BV Việt Đức, BV Đại học Y Hà nội…

Nhưng cũng có 1 tỷ lệ không nhỏ, nam giới trưởng thành do điều kiện kinh tế  khó khăn, tâm lý xấu hổ …. nên vào viện muộn. Đo đó xử trí hạ tinh hoàn xuống bìu sẽ khó khăn hơn, cũng như tăng tỷ lệ cắt tinh hoàn ung thư hóa...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo bệnh nhân chủ quan với biểu hiện ẩn tinh hoàn