Cảnh báo: Áp lực khiến nhiều người trẻ tự ngược đãi bản thân

Thảo Nguyên| 09/09/2017 17:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, khi bị stress, căng thẳng, giới trẻ có xu hướng tự ngược đãi bản thân... Họ nghĩ rằng, làm như vậy sẽ đỡ đau đớn và thoải mái hơn.

Hủy hoại bản thân để… tinh thần nhẹ nhõm

TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị Stress (Viện sức khỏe Tâm thần) cho biết, tự hành xác là một căn bệnh rất nguy hiểm và dễ mắc phải đối với những người thường bị suy sụp và tổn thương tâm lý. Quá cô đơn, căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ dễ mắc bệnh tự hành hạ bản thân. Khi phải chịu những nỗi đau về mặt tinh thần, những người trẻ sẽ thay thế nó bằng nỗi đau thể xác, như là cách để họ thể hiện sự căm ghét bản thân thân mình hoặc để trút giận.

TS Tâm chia sẻ, mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học tại Hà Nội mắc chứng bệnh tự hủy hoại bản thân phải nhập viện điều trị.

Cách đây 2 năm, bệnh nhân có mong muốn được đi du học nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện. Sẵn buồn chán, lại thêm việc thường xuyên bị mẹ nói phải bỏ ý nghĩ du học nên bệnh nhân rơi vào trạng thái trăn trở, tâm trạng luôn ức chế, không thoải mái với hoàn cảnh hiện tại. Tình trạng này kéo dài 2 năm khiến bệnh nhân nảy sinh hành vi thích tự rạch tay. Khi được gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện điều trị, bệnh nhân chia sẻ là mỗi lần cắt tay như vậy cô không thấy đau, ngược lại trong lòng nhẹ nhàng hơn.

Cảnh báo: Áp lực khiến nhiều người trẻ tự ngược đãi bản thân

Bác sĩ Phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress (Viện SKTT) khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thảo Nguyên

Theo TS Tâm, có một điểm chung là những người thích hành hạ bản thân thường khởi đầu xu hướng bằng những vết bỏng, vết cắt nhỏ bằng dao lam. Có bệnh nhân lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cấu rách da, nhịn ăn… Họ thực hiện hành vi này và thường không để cho mọi người xung quanh biết, bằng cách thực hiện nó trong phòng tối, phòng ngủ hoặc phòng tắm.

Ngoài hành vi tự hủy hoại, bệnh nhân còn có trạng thái cảm xúc ức chế như buồn, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc ức chế, lo âu…

Cũng theo các bác sĩ tại Viện Sức khoẻ tâm thần, những trường hợp kể trên là ví dụ điển hình về hội chứng “tự ngược đãi bản thân”, tức là một người tự làm “đau” về cả thể chất hoặc tinh thần của mình nhằm loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại. Không được đáp lại tình cảm, bị bố mẹ mắng, đi thi bị điểm kém… đây là những lý do tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến những phản ứng dại dột của rất nhiều bệnh nhân.

Ngăn chặn khi chưa muộn

TS Tâm cho hay, trong số bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất. Bởi ở lứa tuổi này, trẻ bị nhiều áp lực từ trường học, sức ép từ sự kỳ vọng của bố mẹ và các áp lực vô hình khác ảnh hưởng tới sở thích, đam mê hoặc lối sống khiến nhiều trẻ có suy nghĩ lệch lạc, bi quan, bế tắc.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân ở nữ gặp nhiều hơn ở nam (tỷ lệ là 3:1). Tại nước ta, số người mắc hội chứng này có xu hướng gia tăng những năm gần đây.

“Hành động tự ngược đãi bản thân khác với tự sát hay tự tử, người bệnh khi tự ngược đãi bản thân cảm thấy được thoải mái, còn tự sát hay tự tử liên quan nhiều đến trầm cảm, hoang tưởng và mục đích là tìm đến cái chết. Chứng bệnh này gặp ở những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương và phô trương, người hay lo lắng, người cầu toàn hay đòi hỏi… Bệnh nhân vào khám đa phần được điều trị ngoại trú. Việc điều trị cũng đem lại kết quả tương đối tốt, nếu biết nguyên nhân chính là vấn đề tâm lý, cải thiện rất tốt”, TS Tâm nhấn mạnh.

Do đó, muốn can thiệp với những bệnh nhân này phải tác động cả vào nhân cách và stress. Phải bồi dưỡng nhân cách cho người bệnh vững chãi, giúp người bệnh giảm stress trong cuộc sống.

Gia đình chính là liều thuốc tốt nhất giúp người bệnh không bị rơi vào hoặc thoát ra khỏi bệnh tật. Lứa tuổi vị thành niên vốn tâm lý chưa ổn định, những cuộc trao đổi trò chuyện cởi mở, thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để hiểu và khuyên bảo con, giúp con bồi dưỡng nhân cách, giảm stress trong cuộc sống.

"Cha mẹ phải luôn thân thiện và tôn trọng con, biết chúng suy nghĩ gì để động viên, khuyến khích hoặc ngăn chặn kịp thời là lời khuyên lớn nhất dành cho các bậc cha mẹ. Cha mẹ không những trở thành người bạn để chia sẻ mọi tâm tư với con cái mà chính họ phải thừa nhận những mặt mạnh, yếu của mình cũng như điều được và chưa được của con cái để tạo ra sự công bằng trong cách ứng xử", TS Tâm lưu ý.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng có lời khuyên, khi trẻ có biểu hiện của hội chứng hủy hoại bản thân cần được đưa đi khám và điều trị. Các bác sĩ sẽ tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà có cách điều trị hiệu quả.

 

VIDEO

 

TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị stress (Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) nói về tình trạng tự hủy hoại bản thân trong giới trẻ hiện nay.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo: Áp lực khiến nhiều người trẻ tự ngược đãi bản thân