Cẩn trọng với những chấn thương thể thao

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những chấn thương trong khi tập luyện thể thao có thể là kết quả từ những quá trình tập luyện sai, hoặc do những trang thiết bị tập luyện không thích hợp.

Anh Chung (phố Núi Trúc) thường có thói quen chạy thể dục buổi sáng. Nhưng do thói quen và phương pháp tập luyện không đúng cách khiến anh không tránh khỏi những chấn thương nhẹ.

Thông thường trước khi bước vào chơi hay tập luyện một môn thể thao nào đó, người tham gia thường phải khởi động và căng cơ đầy đủ, để trong khi tập luyện tránh xảy ra những chấn thương đáng tiếc. Trường hợp anh Chung gặp phải chấn thương nhẹ trong khi tập luyện là khá phổ biến đối với những người không nắm rõ cách thức và phương pháp khởi động, cũng như những hoạt động trong suốt quá trình tập luyện.

Do không khởi động đầy đủ, nên chỉ sau 2-3 ngày tập luyện, anh Chung đã rơi vào trạng thái đau, nhức, mỏi bắp chân và ở phần đùi có cảm giác không cử động được bình thường.

Một số chấn thương phổ biến hơn khi tập luyện thể thao có thể kể đến như bong gân, chấn thương đầu gối, căng cơ, chấn thương gân gót, gãy xương trật khớp… Số ít người tham gia chơi thể thao thường không nắm rõ được những nguyên lý và cách điều trị chấn thương, tự xử lý vết thương dẫn đến việc chấn thương ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, trưởng khoa Y học Thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tùy từng môn thể thao mà tỷ lệ chấn thương cũng xảy ra khác nhau. Ví dụ như môn cầu lông, người chơi hay bị chấn thương phần bả vai, trong khi môn bóng đá có thể gặp phải chấn thương về bong gân, căng cơ, gãy xương, trật khớp…

Bác sĩ Phú khuyến cáo nên tập luyện thể thao ở cường độ trung bình phù hợp với cơ thể. Vì khi tập luyện và chơi thể thao ở một cường độ cao chưa thích ứng được với cơ thể sẽ gây áp lực lên cơ thể, vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Đến lúc này chấn thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không loại trừ một ai, vận động viên chuyên nghiệp hay người chơi thể thao, và cũng không loại trừ một môn thể thao nào.

Nhưng quả thực khi chơi và tập luyện thể thao khó tránh khỏi những chấn thương. Có thể chấn thương đến từ những người chơi, do sự ít hiểu biết của họ về y học thể thao, cũng có thể là do những lý do khách quan bên ngoài. Khi gặp những chấn thương ở mức độ nhẹ như co cứng cơ, sưng nhẹ… thì người tập luyện phải làm giảm ngay triệu chứng đó, thúc đẩy quá trình phục hồi bằng cách giảm cường độ tập luyện hay thay đổi chế độ tập, giảm dần dần cường độ tập nhằm giữ cho cơ thể ổn định và điều hòa. Còn với những chấn thương nặng hơn thì phải có chế độ nghỉ ngơi tích cực.

Mặc dù là nghỉ ngơi nhưng phải hướng tới những hình thức vận động khác, tránh để cơ thể bị ì trệ, vì như vậy quá trình phục hồi cũng sẽ không được thúc đẩy. Khi gặp những chấn thương nhẹ và trung bình thì có thể dùng đá lạnh chườm vào vết thương. Việc chườm lành cho vết thương diễn ra càng sớm thì việc hồi phục vết thương cũng sẽ nhanh hơn.

Cũng theo bác sĩ Phú, khi gặp chấn thương nên chườm đá, không nên dùng dầu để xoa bóp vết thương. Theo nghiên cứu thì chườm lạnh cho vết thương là tốt nhất và có tính năng phục hồi tốt.

Thông thường, thì việc xoa bóp bằng dầu, thuốc xịt giảm đau chỉ có hình thức tạm thời giảm đau nhanh, gây tê, khiến cho người gặp chấn thương tạm quên đi cảm giác đau. Nhưng chườm lạnh cũng không được chườm ở cổ, cơ quan sinh dục, cơ quan nội tiết, không chườm đá vào vết thương hở… Khi gặp những trường hợp chấn thương nặng hơn thì phải dùng băng để băng vết thương, sau đó đưa bệnh nhân đến ngay những cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu.

Còn trong thời gian nghỉ ngơi, hồi phục chấn thương, nên nâng cao những tư thế khi sinh hoạt như khi ngủ kê chân bị chấn thương, hay chân khi ngồi…. nhằm làm giảm áp lực tuần hoàn đến khu vực chấn thương, làm giảm sưng đau và viêm…

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú cũng nói thêm về cách phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao: Trước khi tập luyện, người chơi nên kiểm tra tim mạch, các bộ phận trên cơ thể. Kiểm tra sức khỏe bản thân, sau đó sẽ đặt ra được chế độ tập luyện thích hợp cho chính mình.

Sau buổi tập khoảng 24h mà người tập không có cảm giác đau nhức, mệt mỏi thì buổi tập đó được coi là có chất lượng. Trong khi tập nếu cảm thấy có những hiện tượng bất thường thì phải giảm ngay cường độ tập luyện. Cố gắng uống nước đều đặn trong thời gian tập luyện.

Ngoài ra cần chú ý đến vấn đề sinh hoạt, tránh rượu bia và những thói quen xấu. Nên duy trì một thói quen sinh hoạt tốt. Cũng nên chọn một môn thể thao và trang thiết bị phù hợp với mình.

Hiện nay, chấn thương trong khi chơi và tập luyện thể thao xảy ra khá nhiều. Người tập luyện nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định về y học thể thao, để tránh xảy ra những chấn thương đáng tiếc cho chính bản thân mình.

Bảo Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với những chấn thương thể thao