Bộ Y tế tiếp tục đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

Thảo Nguyên| 10/01/2018 20:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa hai, tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn.

Theo đó, 7 bác sĩ trẻ lần này sẽ tình nguyện về công tác tại các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng (Cao Bằng); Mường Tè (Lai Châu); Mèo Vạc, Hoàng Su Phì (Hà Giang); Mường Ảng (Điện Biên).

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết.

Bộ Y tế tiếp tục đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

Thêm 7 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

Mục tiêu của Dự án này là tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn trên cả nước. Hiện tại, Dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành như: nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền, trong thời gian 24 tháng.

Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, các bác sĩ trẻ đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Đại học Y Hà Nội và các trường y, dược tình nguyện tham gia công tác tại các vùng khó khăn.

"Các bác sĩ trẻ tình nguyện đã làm chủ được 160 kỹ thuật tại các huyện miền núi. Trong 56 kỹ thuật ngoại đã thực hiện được, các bác sĩ làm được nhiều kỹ thuật khó như cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi", ông Tác cho hay.

Trước đó, cuối tháng 6/2017, Bộ Y tế đã bàn giao 7 bác sĩ chuyên khoa I, tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo của 4 địa phương là: Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên và Sơn La.

Các bác sĩ trẻ về vùng khó khăn để làm việc với thời gian tối thiểu 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ. Sau đó, họ sẽ quay trở lại làm việc tại các bệnh viện trung ương đã được tuyển dụng trước khi tham gia dự án, hoặc các bệnh viện tại quê hương của bác sĩ, theo nguyện vọng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế tiếp tục đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn