Bộ Y tế phủ nhận việc chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường

Thảo Nguyên| 16/08/2019 21:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Y tế khẳng định thông tin chậm trễ trong việc ban hành quy chuẩn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường là chưa chính xác.

Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2016. Hai tháng sau đó, Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời với sữa tươi trong chương trình Sữa học đường, nhưng không nêu rõ cần bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất. 

Do đó, một trong những nội dung được các doanh nghiệp, cũng như nhiều bậc phụ huynh có con em đang đăng ký chương trình Sữa học đường quan tâm là việc bổ sung vi chất như thế nào là đủ để nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ em. Đặc biệt, trong Thông tư về chương trình Sữa học đường mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến, việc bổ sung 3 vi chất hay 21 vi chất đang là vấn đề còn được tranh luận.

Theo TS Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 1340 phê duyệt Chương trình sữa học đường, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5450 về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong chương trình này.

Thực tế, Quyết định số 5450 đã được Bộ Y tế ban hành từ 28/9/2016, cách đây 3 năm. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh nguyên liệu cho sữa học đường phải đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29 ban hành năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy có thể khẳng định Quyết định của Bộ Y tế và Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ yêu cầu về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường.

Bộ Y tế phủ nhận việc chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường

TS Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Cũng theo TS Nguyễn Đức Vinh, việc bổ sung vi chất cần có cơ sở khoa học, bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả là phải hướng tới thực hiện chỉ tiêu trong quyết định 1340/QĐ-TTg (đáp ứng nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ em MG, TH thêm 30% vào năm 2020).

Bên cạnh đó, việc bổ sung vi chất như thế nào cũng cần xem xét lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình.

“Mục đích cao nhất mà Bộ Y tế hướng tới là các cháu được sử dụng sản phẩm tốt nhất, tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của các cháu được cải thiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Về nội dung còn đang chưa có được sự thống nhất nên bổ sung 3 vi chất hay 21 vi chất, ông Vinh cho hay, bổ sung 3 vi chất hay bổ sung thêm 18 vi chất theo khuyến nghị thành 21 vi chất, phải có cơ sở nghiên cứu khoa học. Bộ Y tế sẽ làm một cách công khai, minh bạch, lấy ý kiến các doanh nghiệp và ý kiến của các nhà khoa học tạo một sự đồng thuận cao nhất. Khi còn những ý kiến khác nhau, lúc đó vai trò quyết định sẽ là của cơ quan nhà nước.

Vì những ý kiến còn tranh luận, nên hiện tại, Bộ Y tế chưa có quyết định bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa học đường. “Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, trong Quyết định Thủ tướng nêu rõ, để can thiệp tình trạng thấp còi của trẻ em Việt Nam, không chỉ có việc triển khai Chương trình Sữa học đường mà còn rất nhiều chương trình can thiệp khác tác động vào, đặc biệt là vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chương trình giáo dục dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.

Qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương hiện có 15 tỉnh đã và đang triển khai chương trình bằng các nguồn kinh phí của nhà nước, doanh nghiệp và người dân,... đặc biệt có tỉnh rất khó khăn như Sơn La vẫn dành kinh phí của địa phương ưu tiên triển khai chương trình.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế phủ nhận việc chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường