Bộ Y tế lý giải vì sao Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt

Thảo Nguyên| 09/04/2019 12:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, tùy từng nước có thể đưa ra các quy định khác so với Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc với điều kiện đầy đủ bằng chứng khoa học.

Mới đây, lô 18.000 sản phẩm tương ớt Chinsu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa axit benzoic - một chất bị cấm sử dụng trong sản phẩm của Nhật Bản. 

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, axit benzoic (INS 210) là phụ gia thực phẩm chống nấm mốc được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex) cho phép sử dụng. Hiện 189 nước dùng theo tiêu chuẩn Codex, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản.

Theo thông tư quy định về quản lý về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, axit benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1g/1kg sản phẩm. Đây cũng là quy định của Ủy ban Codex với axit benzoic.

“Chúng tôi khẳng định các quy định về phụ gia thực phẩm Bộ Y tế ban hành hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Codex”, bà Nga khẳng định và cho biết thêm, các phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Ủy ban Codex phải trải qua rất nhiều các bước đánh giá về độ an toàn, hướng dẫn sử dựng rất nghiêm ngặt, thông thường qua 8 bước, 5-7 năm, thậm chí cả chục năm.

Bộ Y tế lý giải vì sao Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm cũng sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất.

Không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không chấp nhận ở quốc gia khác; và ngay cả khi cùng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng tại mỗi nước có thể quy định khác nhau về hàm lượng sử dụng hoặc đối tượng sử dụng. Khi cơ quan quản lý thực phẩm quyết định thu hồi thì có thể do việc sử dụng chất đó không phù hợp tại quốc gia đó.

Vì vậy, khi Nhật Bản hoặc quốc gia nào khác không cho phép sử dụng phụ gia đó tại thị trường của họ nhưng Việt Nam vẫn chấp nhận sử dụng thì không có nghĩa sản phẩm trong nước không an toàn hay được chấp nhận dễ dàng, mà vấn đề là quy định cụ thể về phụ gia thực phẩm được đưa ra căn cứ theo mức độ sử dụng sản phẩm thực phẩm của mỗi nước.

Cũng theo bà Nga, hiện nay theo quy định mới nhất của Nhật Bản, axit benzoic cũng được cho phép là phụ gia thực phẩm trong một số nhóm thực phẩm như nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, bơ thực vật, trứng cá,… với các hàm lượng khác nhau.

Cho đến thời điểm này, Cục An toàn thực phẩm vẫn chưa nhận được thông tin chính thống từ Nhật Bản về việc thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu; đồng thời chưa nhận được thông tin chính thức từ Masan. Bộ Y tế vẫn đang chỉ đạo các bộ phận chức năng nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu nhập từ Việt Nam bị thu hồi tại Nhật Bản vì chứa chất cấm. Trước mắt, phải làm rõ được nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa lô hàng bị thu hồi kể trên.

“Người dân cần bình tĩnh lắng nghe các ý kiến của cơ quan nhà nước. Khi chúng tôi đã ban hành thì hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tôi khẳng định, nếu phụ gia có trong danh mục của Ủy ban Codex với hàm lượng đúng thì sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Bộ Y tế lý giải vì sao Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt

Hình ảnh loại tương ớt Chinsu bị chính quyền TP Osaka (Nhật Bản) buộc thu hồi vì chứa chất cấm

Cổng thông tin điện tử thành phố Osaka (Nhật Bản) cuối tuần qua thông báo thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu nguồn gốc từ Việt Nam do có chứa axit benzoic, axit sorbic...

Axit benzoic, theo quy định của Nhật, không được sử dụng trong tương ớt. Trong khi đó, với tương ớt Chinsu, Trung tâm y tế công cộng Osaka kiểm tra thấy hàm lượng chất này là từ 0,41-0,45 g/kg.

Theo cơ quan chức năng Nhật, số tương ớt Chinsu này đã vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật. Các sản phẩm của Masan cũng không được dán nhãn đầy đủ để khuyến cáo người dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế lý giải vì sao Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt