Bộ Y tế đề nghị để bác sĩ Lương được tại ngoại

Thảo Nguyên| 29/06/2017 15:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã lên tiếng xung quanh vụ khởi tố, bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương, đơn nguyên thận nhân tạo (BVĐK tỉnh Hòa Bình) liên quan đến sự cố chạy thận nhân tạo.

Theo ông Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phân công ông đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình xem xét việc này.

Dưới góc độ pháp lý, ông Quang cho rằng việc cơ quan công an khởi tố và bắt tạm giam đối với 3 bị can gồm: Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Trần Văn Sơn (27 tuổi, cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Hoàng Công Lương về tội vi phạm qui định về khám bệnh, chữa bệnh là đúng thẩm quyền, đúng quy định của Bộ luật hình sự và đúng trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bộ Y tế đề nghị để bác sĩ Lương được tại ngoại

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) lên tiếng việc bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương

"Về mặt tố tụng hình sự, chuyên môn, cơ quan CSĐT đã vào cuộc tích cực, kịp thời, chứng tỏ mọi hành vi vi phạm xâm hại sức khỏe người bệnh đều được điều tra xem xét nghiêm túc", ông Quang cho hay.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, việc khởi tố bác sĩ Lương cần xem xét thêm đến yếu tố khách quan: lỗi liên quan nhiều đến quy tắc, thủ tục hành chính, không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người để có kết luận điều tra sau này phản ánh trung thực vụ án, xác định đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Cụ thể, trong trường hợp này là chất lượng nước do người khác làm thì bác sĩ Lương không thể biết chất lượng nước nên cho dù có đủ thủ tục hành chính (tức là nếu có biên bản nghiệm thu) thì sự cố vẫn có thể xảy ra.

"Bị can Lương là một bác sĩ trẻ, nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn và phạm tội này mang tính chất vô ý, có địa chỉ gia đình rõ ràng. Nếu bị can không có các biểu hiện chạy trốn hay vi phạm tiếp, hoặc cản trở cơ quan điều tra thì đề nghị cơ quan điều tra xem xét trường hợp của BS Lương một cách thấu tình, đạt lý.

Bộ Y tế đưa ra kiến nghị cơ quan công an xem xét để thay đổi biện pháp ngăn chặn bị can. Theo đó thay vì tạm giam có thể tại ngoại, không đi khỏi nơi cư trú, tích cực hỗ trợ công tác điều trị. Tuy nhiên thẩm quyền quyết định là thuộc cơ quan công an” ông Quang cho hay.

Bộ Y tế cũng sẽ có văn bản đề nghị công an tỉnh Hòa Bình về vấn đề này. Điều đó sẽ động viên và giúp các y bác sĩ yên tâm công tác.

Bộ Y tế đề nghị để bác sĩ Lương được tại ngoại

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh

Ông Quang cũng lần nữa khẳng định, vụ việc xảy ra ở Hòa Bình với 8 bệnh nhân tử vong hết sức đau lòng, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng, vô cùng đáng tiếc trong ngành y tế. Sự cố y khoa này đã gây rúng động dư luận xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế trong việc cung cấp cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Đây là điều mà ngành y tế nói chúng và các bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình nói riêng không hề mong muốn.

Ngày 27/6, nhiều nạn nhân sống sót sau sự cố chạy thận, người nhà bệnh nhân từng điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã cùng ký đơn kiến nghị gửi tới Công an tỉnh Hòa Bình, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình xin tại ngoại, giảm nhẹ hình phạt cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Trong đơn gửi tới cơ quan chức năng, họ cho biết, quá trình điều trị, chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình đã nhận được sự chăm sóc tận tình, hết mực của bác sĩ Lương.

Liên quan đến trách nhiệm của ông Trương Quý Dương - Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình trong sự cố này, ông Quang nhận định: "Chắc chắn ông Dương sẽ có một phần trách nhiệm, hiện chưa khởi tố bị can nhưng không có nghĩa là vô can. Sau khi sự việc xảy ra, ông Dương đã bị gia hạn tạm đình chỉ công tác lần 2 để phục vụ điều tra".

Như Báo Công lý đã đưa tin, sáng 29/5, tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ, trong khi đang chạy thận đã có biểu hiện giống như sốc phản vệ. Trong số bệnh nhân này, có 7 người tử vong cùng ngày.

Rạng sáng 4/6, bệnh nhân Nguyễn Bích N. (45 tuổi) - bệnh nhân trong tình trạng nặng nhất trong vụ tai biến chạy thận đã tử vong, nâng số người tử vong trong sự cố tai biến y khoa trong chạy thận nhân tạo đến nay lên 8 người.

Bộ Y tế đánh giá đây là ca tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế đề nghị để bác sĩ Lương được tại ngoại