Ngày 19/6, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, đơn vị này đang điều trị cho 2 trường hợp bỏng nặng, phải cắt tứ chi để bảo toàn tính mạng.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân S.C. (39 tuổi, người Campuchia), nhập viện trong tình trạng phỏng điện 16% độ 2,3,4 ở tứ chi.
Theo lời người nhà kể lại, trong lúc anh S.C. leo lên nóc nhà sửa nhà thì vô tình chạm vào điện cao thế, điện phóng giật làm anh té ngã. Anh được đưa đi sơ cứu tại bệnh viện Campuchia, nhưng do vết thương quá nặng, nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng cánh tay co quắp, tiên lượng không thể giữ được 2 tay do bỏng quá sâu. Dù các bác sĩ rất cố gắng cắt lọc da hoại tử, bệnh nhân bị cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và cẳng tay trái cùng 1/3 giữa cẳng chân.
Bệnh nhân người Campuchia bi điện giật phải cắt cụt tứ chi
Bệnh nhân thứ hai là anh N.A.K. (41 tuổi, ở Bình Định) cũng bị điện giật trong lúc làm việc khiến bị bỏng nặng phải đoạn chi
Được biết, bệnh nhân K. làm nghề thợ hồ. Trong lúc đang xây dựng trên cao thì chẳng may anh K. bị điện cao thế phóng giật té xuống đất, bị chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
BS Hiệp cho biết, bệnh nhân K. đã phải trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử, tuy nhiên vẫn không giữ lại được 2 tay và một chân bên trái. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 giữa cẳng tay phải.
Hiện, sức khỏe của anh K. ổn định, tính mạng được bảo toàn. Tuy nhiên, về cuộc sống trong tương lai, để có thể vượt qua cú sốc này, hai bệnh nhân rất cần hỗ trợ từ phía cộng đồng.
Theo BS Hiệp, bỏng điện có 2 loại là bỏng do tia lửa điện và bỏng do luồng điện. Trong đó, tia lửa điện phát ra trong thời gian ngắn ít gây phỏng sâu như bỏng dòng điện vì lúc này cơ thể con người giống như một điện trở, dòng điện cực nóng đi qua cơ thể gây bỏng vào tận trong xương khớp, gan ruột, não, tim gây tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện.
Trung bình mỗi năm, khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận khoảng 2.100 ca bỏng. Trong đó, 300-400 ca bỏng điện và trên dưới 100 trường hợp phải cắt bỏ chi do hoại tử nặng.
Để phòng tránh các tai nạn về điện, người sử dụng điện cần quan tâm thực hiện các nguyên tắc an toàn điện. Các bác sĩ cũng lưu ý, việc sơ cứu cho bệnh nhân tai nạn bỏng điện là thực hiện cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới nơi khô ráo, nếu bệnh nhân ngưng thở thì hô hấp nhân tạo rồi đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.