Bệnh Thalassemia làm giảm ham muốn tình dục

Đ.C| 11/05/2016 21:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) làm giảm ham muốn tình dục, thậm chí vô sinh ở cả nam và nữ.

Bệnh Thalassemia làm giảm ham muốn tình dục

Bệnh Thalassemia hay còn gọi là tan máu bẩm sinh làm giảm ham muốn tình dục. Ảnh: Minh họa

Bệnh Thalassemia gây ra tình trạng thiếu máu do máu bị tan gọi là huyết tán và những bệnh nhân mắc bệnh này sẽ bị thiếu máu từ mức nhẹ, trung bình đến nặng và rất nặng, để sống được họ thường xuyên phải truyền máu.

Bệnh này khiến bệnh nhân bị nhiễm sắt do nhiều nguyên nhân như truyền máu liên tục và do cơ thể bệnh nhân tăng hấp thu sắt một cách tự nhiên. Điều này làm ứ đọng sắt ở tất cả các cơ quan, tổ chức trong cơ thể như: lách, phổi, tim gây ra rối loạn tổng về tim mạch, gan, thận, chức năng các tuyến nội tiết…

Vì bệnh đánh vào các tuyến nội tiết trong đó có tuyến nội tiết sinh dục nên ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tình dục của người bệnh. Cụ thể, ở nam giới mắc bệnh này các hoạt động nội tiết tố nam không còn nữa, không ham muốn tình dục và không đảm bảo được các hoạt động tình dục.

Còn ở nữ nghiêm trọng hơn rất nhiều do thường xuyên bị thiếu máu và nhiễm sắt nên không dậy thì được. Nếu nhiễm sắt trong buồng trứng thì dẫn tới vô sinh. Có rất nhiều bệnh nhân nữ hơn 30 tuổi mà vẫn chưa có kinh nguyệt hoặc vô kinh.

GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, hậu quả vô cùng nguy hiểm của căn bệnh này là vừa bẩm sinh lại di truyền. Có nghĩa bệnh truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nếu như gen bệnh vẫn còn. Và, gia đình dòng họ nào sinh ra con bị bệnh thì nó sẽ làm thoái hóa giống nòi của gia đình, dòng họ đó và lớn hơn là của toàn xã hội.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia, trong đó có 20 nghìn người bị Thalassemia cần phải điều trị. Trung bình, mỗi năm có thêm trên 2 nghìn trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia.

Nhất là khi những người mang gen bệnh không biết về căn bệnh này, không biết là mình đang mang gen bệnh kết hôn với nhau càng cao dẫn đến ngày càng có nghiều trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia.

Theo tính toán, một bệnh nhân mắc Thalassemia từ khi sinh ra cho tới khi 30 tuổi tiêu tốn khoảng 3 tỷ cho việc điều trị. Như vậy, với số lượng bệnh nhân cần điều trị Thalaseemia là 20 nghìn người thì cần khoảng khoảng 500 nghìn đơn vị máu an toàn với tổng chi phí điều trị lên tới 2 nghìn tỷ đồng.

Ths. Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho hay, nguyên tắc điều trị với bệnh nhân Thalassemia mức độ nặng và trung bình là truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt cuộc đời.

Để giảm dần hậu quả và chấm dứt việc sinh ra trẻ bị bệnh hoặc mang gen bệnh Thalassemia, Ths. Nguyễn Thu Hà đưa ra lời khuyên đối với các cặp đôi là nên chẩn đoán tiền hôn nhân và chẩn đoán trước sinh.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp có biểu hiện phù thai từ khi còn trong bụng mẹ và những trường hợp này thường gây hỏng thai trước khi sinh.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh Thalassemia làm giảm ham muốn tình dục