Bé trai 12 tuổi bị rắn lục cắn khi đang ngồi xem tivi

Chí Tâm| 06/10/2018 11:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, khoa Nội - Tổng hợp của bệnh viện này vừa cấp cứu thành công bé trai 12 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Trước đó, bệnh nhi Nguyễn Văn T. (12 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị rắn cắn, 2 ngón chân bị sung phù và sưng khớp. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu do rắn độc cắn nên tiến hành truyền huyết thanh kháng độc rắn để điều trị cho bệnh nhân.

Đến thời điểm hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, không còn rối loạn đông máu nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện để bác sĩ tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bé trai 12 tuổi bị rắn lục cắn khi đang ngồi xem tivi

Rắn lục. Ảnh minh hoạ

Theo lời kể của gia đình, vào trưa 4/10, em T. nằm trên giường và gác chân lên gối xem tivi. Trong lúc xem tivi, T. giật mình vì bị con gì cắn mạnh vào 2 ngón chân ở bàn chân phải. T. la lên thì người cha chạy đến kiểm tra vết thương con phát hiện 2 ngón chân của T. bị nhiều dấu răng cắn sâu, máu chảy nhiều. Lấy đèn pin rọi xuống giường, cha của T. phát hiện con rắn lục dài gần 1m nằm ngay phía dưới giường. Lập tức, gia đình đưa em T. qua Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu.

Nguồn tin từ bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, Khoa đã cấp cứu 8 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó Cần Thơ có 4 ca, Hậu Giang 2 ca, Vĩnh Long 2 ca. Trong đó, chủ yếu là rắn hổ, rắn lục cắn gây rối loạn đông máu, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, ngay sau khi bị rắn cắn, cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc; không garô động mạch. Có thể dùng miệng hút máu vết cắn nhổ đi nhưng nếu tại miệng, răng có tổn thương, nứt môi, viêm chân răng thì lại không được dùng miệng hút). Tiếp đến người bệnh nên nặn, rửa máu dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc.

Ngoài ra, nên cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, không để bệnh nhân tự đi lại và bất động chi bị cắn bằng nẹp. Đặc biệt, tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu. Sau khi đã tiến hành sơ cứu, cần ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé trai 12 tuổi bị rắn lục cắn khi đang ngồi xem tivi