Bản tin 115 ngày 10/5: Cây tự tử ở Ấn Độ, Liberia sạch bóng Ebola

Dương Cầm(TH)| 10/05/2015 15:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một bệnh nhân bị đâm thủng tim được cứu sống; khách sạn ung thư ở Bắc Kinh, Liberia thông báo đã “sạch bóng” Ebola… là những thông tin đáng chú ý trong ngày.

Tiền Giang: Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim

Sáng nay (10/5), Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cho biết đã cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim vào chiều 09/5.

Bệnh nhân tên Nguyễn Khoa Nam, 27 tuổi, ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Theo bệnh án của bệnh viện, anh Nam nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng hô hấp, có một vết thương ở vị trí khoan liên sườn 5-6 khoảng 1cm.

Bản tin 115 ngày 10/5: Cây tự tử ở Ấn Độ, Liberia sạch bóng Ebola

Bệnh nhân Nguyễn Khoa Nam

Sau một giờ phẫu thuật khẩn cấp, các bác sĩ đã cứu sống anh Nam. Hiện anh đã có thể thở được, mạch huyết áp ổn định, diễn biến tốt.

Người nhà anh Nam kể lại, khi anh đang đứng trước cửa nhà thì có hai người lạ mặt đến hỏi thăm. Sau đó, một trong hai thanh niên đã rút con dao thủ sẵn trong người đâm một nhát vào ngực trái anh.

Cẩn trọng với… “cây tự tử” ở Ấn Độ

Nếu ở Việt Nam có lá ngón được xem là “con ma độc”, thì ở Ấn Độ có Cerbera odollam được mệnh danh là… “cây tự tử”.  

Sở dĩ có tên gọi này bởi nhiều phụ nữ Ấn Độ đã ăn quả của Cerbera odollam để tự tử. Hạt của loại cây này có chất kịch độc. Các nhà khoa học cho hay, con người ăn hạt của Cerbera odollam sau 6 giờ, tim sẽ ngừng đập dẫn đến tử vong và hiện không có thuốc giải độc.

Bản tin 115 ngày 10/5: Cây tự tử ở Ấn Độ, Liberia sạch bóng Ebola

Quả của cây Cerbera odollam tại bang Kerala, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Một nghiên cứu hồi năm 2004 cho thấy, cứ mỗi tuần ở Kerala có một người tự tử bằng quả của cây Cerbera odollam, hay còn được gọi là othalanga, theo AFP.

Các nhà nghiên cứu Pháp và Ấn Độ tin rằng, othalanga được dùng để tự tử nhiều hơn bất kỳ loại cây nào trên thế giới.

Cây othalanga mọc dại ở khắp bang Kerala. Theo báo The New York Times (Mỹ), othalanga thường được dùng để sản xuất thuốc diệt chuột và chất khử mùi.

Liberia đã sạch bóng virus tử thần Ebola

AFP dẫn nguồn tin của WHO cho biết: “Đại dịch Ebola ở Liberia đã kết thúc”. WHO cũng mô tả đây là một thành công “cột mốc” của quốc gia Tây Phi.

Tổng cộng 42 ngày đã trôi qua kể từ khi nhà chức trách Liberia phát hiện trường hợp nhiễm Ebola cuối cùng. “Việc ngăn chặn sự truyền nhiễm là một thành công cột mốc ở quốc gia có số người chết nhiều nhất”,WHO nhấn mạnh.

Virus Ebola cướp đi sinh mạng của 11.005 người ở Liberia, Guinea và Sierra Leone kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 12/2013. Trong đó, số người thiệt mạng ở Liberia là 4.700 người, tương đương hơn 40% tổng số người chết tại Tây Phi.

Dù vậy, WHO cảnh báo đại dịch Ebola vẫn đang tiếp diễn ở Guinea và Sierra Leone, và Liberia có nguy cơ sẽ rơi vào đợt dịch mới nếu như người bệnh ở hai quốc gia này đi sang đây.

Khách sạn ung thư ở Bắc Kinh

Khác với khách sạn thông thường, những “khách sạn ung thư” ở khu tây Bắc Kinh cung cấp cho bệnh nhân ung thư nơi ăn chốn ở đàng hoàng với giá cực rẻ. Nhờ đó, người bệnh có thể giảm thiểu chi phí để vượt qua thời gian chữa trị căn bệnh quái ác giữa lòng Thủ đô Trung Quốc.

“Khách sạn ung thư” là một dãy nhà hai tầng hơi cũ kỹ nằm ở khu tây Bắc Kinh, chỉ cách các bệnh viện nghiên cứu và chữa trị ung thư hàng đầu Trung Quốc vài trăm mét. Đây là nơi sống của hàng trăm mảnh đời khó khăn do bệnh ung thư hành hạ đến từ mọi miền của Trung Quốc.

Chủ của một “khách sạn ung thư” là một người đàn ông họ Mãnh. Ông cho biết đã gặp nhiều bệnh nhân bán tất cả tài sản ở quê nhà để lấy tiền chữa bệnh. Vì vậy, ông quyết định thuê một tòa nhà và cải tạo thành một khách sạn có 70 phòng với 10 phòng tắm công cộng, 10 bếp nấu ăn chung dành cho bệnh nhân ung thư và gia đình của họ.

TP.HCM: 3.500 điểm bán thuốc bình ổn giá

Thông tin này được Sở Y tế TP.HCM khẳng định tại cuộc họp triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM năm 2015 - 2016 theo kế hoạch của UBND TP.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện có khoảng 3.500 nhà thuốc và đại lý thuốc của doanh nghiệp bán 600 mặt hàng thuốc bình ổn giá với giá rẻ hơn giá thị trường ít nhất 5-10%.

Thuốc bình ổn do các công ty dược trong nước sản xuất có chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản tin 115 ngày 10/5: Cây tự tử ở Ấn Độ, Liberia sạch bóng Ebola