Bài thuốc chữa khỏi các bệnh dị ứng giá chỉ 5 ngàn đồng

Hoàn Nam| 11/05/2014 13:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bà lão Nguyễn Thị Chuyền (77 tuổi) hàng chục năm nay chỉ biết tìm nguồn vui bằng cách biến những cây cỏ thiên nhiên, có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, thành những bài thuốc công hiệu chữa bệnh dị ứng, mẩn ngứa giúp người nghèo.

Cuộc đời có số phận hẩm hiu khi chồng hy sinh trong chiến trận, con lại qua đời, bà lão Nguyễn Thị Chuyền (77 tuổi, ngụ xóm 1, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hàng chục năm nay chỉ biết tìm nguồn vui bằng cách biến những cây cỏ thiên nhiên, có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, thành những bài thuốc công hiệu chữa bệnh dị ứng, mẩn ngứa giúp người nghèo. Và, bà lão “mát tay” này đã dùng bài thuốc dân gian của mình để cứu giúp cho cả ngàn trường hợp.

Bài thuốc chữa khỏi các bệnh dị ứng giá chỉ 5 ngàn đồng

Vị “thần y” Chuyền và một cây thuốc nằm trong bài thuốc chữa mẩn ngứa của mình

Những vị thuốc… ra hàng rào là bắt gặp

Theo bà Chuyền thì bệnh mẩn ngứa là một trong những căn bệnh phổ biến mà đa phần mọi người đều bị mắc ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân của bệnh mẩn ngứa thì có nhiều như thay đổi thời tiết, dị ứng với thức ăn, khi ốm chưa khỏi mà không kiêng cữ lại ra ngoài trời gặp gió… Thông thường thì mọi loại bệnh mẩn ngứa rất dễ chẩn đoán, phân biệt bằng mắt thường, được chia làm hai loại: Nếu chỉ nổi những nốt đỏ như rôm sảy thì gọi là mẩn ngứa hay còn gọi là “đơn bọ nẹt” theo cách nói của người địa phương nơi bà Chuyền sinh sống, còn nếu nổi những nốt to hơn gọi là nổi mề đay.

Đây là một chứng bệnh gây ra rất nhiều những phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt cho người mắc phải. Và, đặc biệt đa phần mọi người rất chủ quan với căn bệnh này. Do đó, có nhiều trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính gây biến chứng nguy hiểm.

Bà Chuyền tự tin cho rằng mình có thể chữa khỏi 90% các loại bệnh này bằng những lá thuốc mọc nhan nhản ở các hàng rào nơi thôn quê hay có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Bà Chuyền cũng không “giấu nghề” mà sẵn sàng kể tên, phương pháp kết hợp những loại cây dại trong tự nhiên để tạo thành bài thuốc. Tùy vào độ tuổi, liều lượng, bài thuốc chữa mẩn ngứa sẽ được bổ sung thêm các loại cây thuốc khác nhau. Theo đó, các bài thuốc trị mẩn ngứa, dị ứng của bà lão này được chia làm hai loại dành cho hai lứa tuổi. Một loại dành cho trẻ từ sơ sinh đến dưới 10 tuổi. Và, một bài dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn.

Bài thuốc của trẻ em dùng những loại cây sau: Lá cúc tần, cây cam nha, sài đất, phượng vĩ, tía tô, lá rưới, rau mã đề, ké đội đầu, râu ngô, sắn dây (lá hay cây đều được), tổng trọng lượng mỗi thang thuốc khoảng 100g. Bài thuốc của người lớn ngoài những loại cây trên còn có thêm cây đơn mặt xanh, kinh giới, đăng cay với trọng lượng mỗi thang thuốc là gấp đôi, khoảng 200g.

Những loại cây này đều phải được hái lúc còn tươi, sau đó rang vàng hạ thổ. Theo lý giải của bà Chuyền thì bào chế theo cách này sẽ giúp thuốc phát huy hết tác dụng, đem lại hiệu quả cao nhất. Có một lưu ý là trong trường hợp người bệnh nặng, bị sưng phù, đau nhức; trong đơn thuốc sẽ có thêm cây dáy, và lượng cây mã đề phải nhiều lên. Nhìn chung đây là những loại cây cực kỳ dễ gặp, dễ kiếm và không hề tốn kém.

Khoảng nửa ngày là trị dứt được bệnh

Những người bệnh nên kết hợp giữa xông và uống thì sẽ có kết quả tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn, có khi chỉ nửa ngày là trị dứt được bệnh. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ nhỏ mới sinh bị dị ứng thì không được uống, xông hơi mà chỉ đun rồi lấy nước lau vết dị ứng, lúc này người mẹ sẽ uống thay con. Thuốc ngấm vào tuyến sữa của người mẹ và đứa con bú sữa sẽ hấp thụ một cách gián tiếp. Như vậy sẽ tốt hơn và an toàn hơn khi cho trẻ uống thuốc trực tiếp.

Cách sử dụng của bài thuốc này như sau: Với bài thuốc dành cho trẻ em thì nước lá thuốc khi đun xong sẽ lấy khăn sạch hơ nóng, nhúng vào nước thuốc rồi lau vào những vết mẩn ngứa để thuốc ngấm vào trong da. Với thang thuốc dành cho người lớn thì 200g thuốc được sắc thành một ấm, đổ bốn bát nước (tương đương khoảng một lít nước), đun đến sôi và sau khoảng 5 phút “sôi sùng sục” thì nhấc ra để nguội rồi sử dụng.
Khác với nhiều bài thuốc dân gian khác là có thể cho nhiều nước rồi cô đặc lại thành thuốc, bài thuốc của bà lão Chuyền lại tuân thủ nguyên tắc “cho bao nhiêu bát nước thì lấy bấy nhiêu bát thuốc”. Bát đầu tiên để cho dễ uống, bệnh nhân có thể cho thêm đường. Còn ba bát thuốc sau được chia đều uống trong ngày, nhưng đặc biệt lưu ý là không được để qua đêm vì thuốc sẽ hết tác dụng.

Đến cuối ngày, khi đã uống hết thuốc, bệnh nhân có thể tận dụng lá thuốc đó cho thêm nước vào đun lần nữa, lấy nước xông hơi, tắm rửa. Để bài thuốc thêm hiệu quả, bà lang khuyên người bệnh phải kiêng ra gió; tuyệt đối không được tắm nước lã mà phải dùng nước đun sôi để nguội. Bên cạnh đó cần kiêng cữ: Không ăn thịt gà, cá gáy, cua đồng, mắm tôm, thịt ếch, trứng vịt, trứng gà. Tùy theo biểu hiện bệnh và thể chất người bệnh thời gian có thể khỏi lâu hay chậm, nhanh nhất thì chỉ cần nửa ngày là khỏi. Nhưng thông thường thì các bệnh nhân cần uống từ 2 – 3 thang là bệnh mẩn ngứa biến mất hoàn toàn.

Nỗi lo thất truyền những bài thuốc dân gian

Bà Chuyền sinh ra trong một gia đình có năm anh em. Mẹ bà từng là một thầy thuốc nức danh chữa bệnh bằng thuốc Nam trong vùng. Các anh chị em của bà đều thành đạt và chọn con đường riêng mà không theo nghề thuốc chữa dị ứng của mẹ. Năm 16 tuổi, cô thiếu nữ Chuyền lấy chồng, thời gian sau có bầu được khoảng ba tháng sảy thai. Không lâu sau đó, chồng bà đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường miền Nam, bà chuyển về ở với mẹ, theo học nghề bốc thuốc chữa bệnh mẩn ngứa. Bà sống cô độc từ ngày mẹ qua đời, lấy việc chữa bệnh cho người nghèo làm niềm vui.

Gần 80 tuổi nhưng không con cháu, không chịu nghỉ ngơi khi về già, bà Chuyền cứ thấy bệnh nhân đến là lại tất tả đi hái thuốc, cặm cụi chế biến. Lấy công việc là nguồn vui chứ không phải vì tiền nên thuốc của bà không có giá, ai có lòng đưa bao nhiêu bà cũng không chê ít nhiều. Người dân ở đây đa số là những người làm nghề nông nghiệp, người có tiền thì biếu bà 5 – 10 ngàn, “kỷ lục” là 20 ngàn đồng cho mỗi lần bốc thuốc, nhiều người vì hoàn cảnh nghèo quá mà không có tiền thì bà biếu không.

Riêng những người nghèo trong làng thì thậm chí bà còn lọ mọ tìm đến tận nhà chữa giúp vì bệnh nhân kiêng không được ra gió. Một người dân trong xóm xác nhận: “Trong làng cứ ai bị bệnh mẩn ngứa là lại đến bà Chuyền. Bà lão nhiệt tình khám chữa bệnh còn không lấy tiền, bà thường nói “của nhà trồng, giúp được ai thì giúp”. Vài năm trở lại đây, người anh trai của bà là ông Nguyễn Xuân Lưu (80 tuổi) sau hàng chục năm công tác, định cư ở một tỉnh phía Nam trở về sống cùng và phụ em gái bốc thuốc. Do tuổi cao từ năm ngoái người anh đã không còn bốc thuốc giúp em được nên mọi việc bà phải tự làm một mình. Những khi rảnh rỗi, bà lão lại cặm cụi cuốc đất trồng thêm những cây thuốc mới mang từ rừng về.

Canh cánh nỗi lo thất truyền

“Trước đây còn trẻ khỏe thì còn lên rừng kiếm thuốc, giờ già rồi nên mang cây về vườn gây giống. Nhưng đấy chưa phải là nỗi lo lớn nhất của tôi, sợ nhất vẫn là sau khi tôi mất đi bài thuốc sẽ bị thất truyền”, bà lão chia sẻ. Tuổi đã cao, lại không có con nối nghề, nỗi niềm bà lão nhiều năm nay lúc nào cũng canh cánh nỗi lo thất truyền: “Góp một phần sức m.nh giúp người bệnh là tôi cảm thấy vui, chỉ tiếc là tôi già rồi lại không có người kế nghiệp bài thuốc”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài thuốc chữa khỏi các bệnh dị ứng giá chỉ 5 ngàn đồng