Bác sĩ tư vấn: Đi tiểu ra máu có nguy hiểm không?

PGS. TS Phạm Quang Vinh| 01/09/2016 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đi tiểu ra máu có đáng ngại không, tại sao có tình trạng đó? PGS. TS Phạm Quang Vinh - Phó chủ nhiệm Bộ môn Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 103, Học viện Quân y sẽ giải đáp cho bạn về vấn đề này.

Thời gian qua nhiều bạn đọc có gửi thư đến Báo Công lý bày tỏ lo ngại khi thấy hiện tượng đi tiểu ra máu. Chúng tôi xin trích ý kiến một độc giả: "Thưa bác sĩ, thời gian gần đây tôi thường xuyên đi tiểu ra máu khiến tôi vô cùng lo lắng. Mong bác sĩ cho biết đi tiểu ra máu có nguy hiểm không và nguyên nhân vì sao tôi lại đi tiểu ra máu? Xin bác cung cấp thêm thông tin về tình trạng này". 

Bác sĩ tư vấn: Đi tiểu ra máu có nguy hiểm không?

Mẫu nước tiểu có số lượng hồng cầu nhiều hơn bình thường. Ảnh minh họa

PGS. TS Phạm Quang Vinh - Phó chủ nhiệm Bộ môn Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 103, Học viện Quân y:

Đái máu là tình trạng đái ra nước tiểu có số lượng hồng cầu nhiều hơn bình thường. Đái máu hay gặp trong lâm sàng, ở tất cả các chuyên khoa, là một triệu chứng của nhiều bệnh toàn thân cũng như bệnh của cơ quan tiết niệu.

Đái máu được phân loại theo màu sắc nước tiểu, theo sinh lý bệnh, theo vị trí tổn thương: thận, niệu quản, bàng quang hay niệu đạo.

Cần phân biệt với một số trường hợp khác nước tiểu có màu đỏ nhưng không phải đái máu như:

- Đái ra huyết cầu tố: gặp ở những bệnh nhân bị vỡ hồng cầu (sốt rét). Trong trường hợp này nước tiểu cũng có màu đỏ nhưng để lâu biến thành màu bia đen, làm phản ứng Weber-Mayer dương tính.

- Đái ra pocphyrin: nước tiểu có màu đỏ da cam, để lâu không có cặn.

- Đái nhiều sắc tố mật và muối mật: gặp trong bệnh vàng da tắc mật, lâm sàng có tam chứng: đau, sốt, vàng da và xét nghiệm có hội chứng tắc mật.

- Nước tiểu đỏ sau uống một số loại thuốc: rifamycin.

- Nước tiểu đỏ sau ăn một số thức ăn như củ cải đỏ.

Nguyên nhân đái máu gồm:

Từ thận: sỏi thận, u thận, viêm bể thận, thận đa nang

Từ niệu quản: sỏi niệu quản, u niệu quản, chấn thương hay vết thương niệu quản

Từ bàng quang: sỏi bàng quang, u bàng quang, viêm bàng quang do tạp khuẩn, viêm loét Hunner, chấn thương và vết thương bàng quang

Từ tuyến tiền liệt: tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt

Từ niệu đạo: sỏi niệu đạo, u niệu đạo, chấn thương và vết thương niệu đạo

Đái máu do bệnh cả hệ tiết niệu: đái máu do lao hệ tiết niệu và đái máu do một số bệnh khác.

Nếu anh/chị thường xuyên đái máu thì phải đi siêu âm kiểm tra ngay để biết chính xác nguyên nhân là gì và có phương án điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tư vấn: Đi tiểu ra máu có nguy hiểm không?