Bác sĩ trẻ lên non: Viết tiếp trang sử “đâu cần thanh niên có”

Thảo Nguyên| 01/05/2019 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 2 năm tình nguyện về vùng cao công tác, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết đã chinh phục thành công hơn 700 ca phẫu thuật về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại nhi... giúp bệnh nhân nơi đây không cần phải chuyển tuyến.

Bác sĩ Quyết cùng 9 bác sĩ khác vừa được vinh danh Top 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2018.

Tiên phong về với nhân dân vùng khó khăn

Sau nhiều năm triển khai, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (Dự án 585) đã viết nên những câu chuyện hết sức ý nghĩa về tấm lòng người thầy thuốc trẻ tại những huyện miền núi nghèo. Đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học y - dược, tình nguyện tham gia dự án, những bác sĩ trẻ ấy đã trở thành “cầu nối” thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Nguyễn Chiến Quyết (SN 1989) - chàng bác sĩ trẻ chuyên khoa ngoại là 1 trong 7 bác sĩ “sản phẩm” đầu tiên của Dự án 585. 29 tuổi, rời Thủ đô phồn hoa, bác sĩ Quyết chọn Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai) công tác, nơi có nhiều xã nghèo nhất tỉnh.

Quyết định ấy từng bị gia đình ngăn cản quyết liệt, song anh giải thích đầy kiên quyết: “Đây là dự án rất ý nghĩa, mỗi bác sĩ có điều kiện học tập nâng cao chuyên môn rất tốt. Khi có chuyên môn tốt, làm ở đâu cũng phục vụ bệnh nhân tốt và có cuộc sống tốt”. Cuối cùng, người thân cũng hiểu và ủng hộ.

Quyết chia sẻ, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội đã được 5 năm. Từ khi học năm cuối đại học (2013), anh đã nghe về dự án đưa bác sĩ tình nguyện về huyện nghèo nên đã tham gia đăng ký. Nhưng sau đó hơn 1 năm, anh mới được tuyển và theo học lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I trong vòng 2 năm, chuyên ngành ngoại sản. Anh tin tưởng mình có thể khám chữa bệnh hiệu quả cho bà con ở Bắc Hà.

Nhớ lại động lực đưa mình đến Bắc Hà, chàng bác sĩ có gương mặt điển trai này tâm sự: "Trước khi lên đây công tác, tôi đã từng đi xe máy từ Hà Nội lên Bắc Hà khám phá đời sống bà con. Vẫn biết tuyến dưới có nhiều khó khăn, một bác sĩ phải đảm đương một lúc nhiều chuyên khoa, tôi thấy khâm phục họ và muốn đi về các bệnh viện tuyến dưới đóng góp sức trẻ của mình, cùng chăm sóc sức khỏe cho bà con".

Bác sĩ trẻ lên non: Viết tiếp trang sử “đâu cần thanh niên có”

Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết hướng dẫn thủ tục cho người nhà bệnh nhân trước khi vào phòng mổ (Ảnh: Hà Thanh)

Về đây rồi, bệnh viện thiếu nhân lực, có khoa chỉ có một bác sĩ, trang thiết bị còn hạn chế, bác sĩ Quyết cố gắng giải quyết hết mức tại bệnh viện, trường hợp khó sẽ xin ý kiến hội chẩn từ tuyến trên nhưng chủ yếu qua... điện thoại. Anh không thuê trọ mà ở luôn tại bệnh viện để hỗ trợ kịp thời cho các bác sĩ khác khi có ca cấp cứu nặng.

Chủ nhật mổ liền 4 ca, cấp trên nhắn tin cho bác sĩ Quyết ngủ bù ngày thứ Hai nhưng bệnh viện thiếu người, anh vẫn đi làm. Ngay chiều thứ Hai ấy, anh lại huy động các bác sĩ khác mổ ca áp xe ruột thừa. Chàng bác sĩ trẻ cứ miệt mài không biết mệt mỏi như thế…

Biến khó khăn thành động lực

Với vai trò là bác sĩ chuyên khoa I, chuyên ngành ngoại khoa, kể từ khi công tác tại huyện Bắc Hà, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 700 ca mổ, trong đó có một số ca mổ nặng như đa chấn thương, vỡ tạng, rau bong non; trực cấp cứu và hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, sản khoa và nhi khoa. Nếu như trước đây, bệnh viện đa phần thực hiện kỹ thuật mổ truyền thống là mổ mở với vết thương dài, lâu bình phục thì đến nay nhờ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, cùng nỗ lực của bác sĩ Quyết và các bác sĩ nơi đây, bệnh viện đã thực hiện một số kỹ thuật vượt tuyến mổ nội soi như cắt ruột thừa, phẫu thuật cắt túi mật, khâu lỗ thủng dạ dày.

Theo bác sĩ Quyết, các bệnh viện tuyến huyện - đặc biệt là các huyện nghèo càng hiếm bác sĩ về công tác vì sinh viên y khoa ai cũng muốn sau khi ra trường được làm việc tại một bệnh viện lớn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, được tiếp xúc với những người thầy giỏi, đồng nghiệp giỏi, được có điều kiện học tập nâng cao chuyên môn và cũng là nơi có thu nhập tốt hơn.

Trong những lần tham gia khám chữa bệnh tình nguyện tại các địa phương, vùng sâu vùng xa, được tiếp xúc với những người dân và nhân viên y tế đã giúp anh hiểu thêm phần nào sự khó khăn nơi đây. Đọng lại trong tâm trí người bác sĩ trẻ ấy là hình ảnh những bệnh nhân nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em ít được tiếp cận với dịch vụ y tế; phải vượt qua một quãng đường rất xa để đến bệnh viện…

Bác sĩ trẻ lên non: Viết tiếp trang sử “đâu cần thanh niên có”

Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (bên phải) tiến hành một ca mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà

“Điều làm tôi ấn tượng và ấm lòng nhất chính là tình cảm thân thiện của bệnh nhân đối với bác sĩ. Mỗi người bệnh tôi tiếp xúc đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng, có những người bệnh thậm chí không biết tiếng Kinh nhưng họ thể hiện sự tôn trọng và quý mến y bác sĩ theo những cách rất riêng. Đó là những món quà giản dị nhưng đầy ý nghĩa như gói chè cốm, gói bánh hay túi gạo. Không nhận họ lại không ưng cái bụng, nên bác sĩ đành nhận rồi chuyển cho nhà bếp nấu cháo từ thiện”, bác sĩ Quyết chia sẻ.

Được lựa chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu, điển hình trong hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, nổi bật trong chuyên môn và nghiên cứu khoa học, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, bác sĩ Quyết chia sẻ: “Chúng tôi là những thanh niên ngành Y tế, vừa mặc trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, vừa khoác bên ngoài là chiếc áo blouse trắng, đây là sự kết hợp của tuổi trẻ, nhiệt huyết và chuyên môn. Bởi vậy, những bác sĩ trẻ như tôi sẽ cố gắng mang hết tâm huyết và sức lực để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và hạn chế”.

Và cũng như Quyết, hàng trăm “chiến sĩ áo trắng” của Dự án 585 đều cho rằng với họ điều quan trọng nhất không phải là câu chuyện chỗ ăn, chỗ ngủ nơi núi rừng, cũng chẳng phải câu chuyện lương bổng, tính toán thiệt - hơn, chức tước, danh vị mà chính là tâm niệm phải làm việc bằng tất cả tấm lòng nhiệt huyết, khắc phục khó khăn trong điều kiện cho phép, sẵn sàng vì lợi ích của bệnh nhân.

Họ đều hiểu rằng tình nguyện lên vùng cao công tác phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, họ sẽ phải đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng họ tin, với ngọn lửa đam mê của chính trái tim mình cùng với sự yêu thương, chỉ bảo ân cần của những thế hệ đi trước và người dân nơi công tác sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thậm chí, sau chuyến công tác này nếu được bà con địa phương tin tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ có thể sẵn sàng ở lại công tác lâu dài nơi vùng phên giậu của Tổ quốc. 

Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” ưu tiên 62 huyện nghèo được Bộ Y tế triển khai thực hiện với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 - 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Dự án này được Bộ Y tế kỳ vọng sẽ là giải pháp đồng bộ giúp giảm quá tải tại bệnh viện tuyến Trung ương, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giúp người dân được hưởng thụ các kỹ thuật cao ngay tại địa phương.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, dự án là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ trẻ lên non: Viết tiếp trang sử “đâu cần thanh niên có”