80% bệnh nhân đột quỵ để lại di chứng

Thảo Nguyên| 22/12/2016 13:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo các chuyên gia, hiện nay 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động/di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân.

Tỷ lệ biến chứng có xu hướng gia tăng

Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% tử vong và 90% số người sống sót gặp di chứng về thần kinh và vận động. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ hàng năm ở nước ta nhiều hơn số người chết do 3 căn bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét cộng lại.

Tỷ lệ biến chứng theo thống kê thế giới, cứ 100 người sống sót qua cơn đột quỵ thì vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân có thể mang di chứng.

80% bệnh nhân đột quỵ để lại di chứng

Người đột quỵ có thể tàn tật suốt đời

TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại di chứng vận động như liệt tay, chân, nửa người; rối loạn ngôn ngữ, đặc biệt cảm xúc ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Theo các chuyên gia, hiện nay 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động/di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên khả năng hồi phục của chi trên sau đột quỵ rất thấp.

Một tuần sau đột quỵ, 60% bệnh nhân bị mất chức năng của chi trên chưa thể hồi phục; 18 tháng sau hơn một nửa bệnh nhân có chức năng hoạt động của tay bị hạn chế và sau 4 năm chỉ 50% có chức năng tương đối tốt.

Hiểu biết về bệnh hạn chế

PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cảnh báo, bệnh nhân bị đột quỵ có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển rét, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30 bệnh nhân phải cấp cứu vì đột quỵ.

80% bệnh nhân đột quỵ để lại di chứng

Một nam bệnh nhân đang cấp cứu tại BV Bạch Mai do bị tai biến mạch máu não

“Đáng lưu ý là trong số những bệnh nhân nhập viện có không ít bệnh nhân được chuyển từ tuyến tỉnh lên. Họ hầu hết sinh sống ở vùng nông thôn, hiểu biết về bệnh còn hạn chế nên đến viện trong tình trạng muộn. Có trường hợp người nhà cũng cố gắng sơ cứu nhưng lại không đúng cách khiến bệnh càng trở nặng hơn. Thậm chí, nhiều người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, dẫn đến suy hô hấp do viêm phổi, ngừng tim trước khi đến bệnh viện”, PGS. TS Mai Duy Tôn nói.

Theo PGS Tôn thì đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng. Do đó khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, chúng ta cần nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, muộn nhất là trong 6 giờ đầu để được điều trị hiệu quả.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ:

- Bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể.

- Đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu.

- Đột ngột có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

- Đột ngột có vấn đề trong việc đi lại, bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể.

- Đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

Khi có những dấu hiệu này ngay lập tức phải gọi cấp cứu hoặc nhờ người thân đưa đến cơ sở cấp cứu gần nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
80% bệnh nhân đột quỵ để lại di chứng