15 năm lặn lội đi tìm cây thuốc qúy

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cứ mỗi độ xuân về, khi cây cối đâm chồi nảy lộc là lương y Nguyễn Đức Nghĩa lại khoác ba lô, cưỡi xe máy lên đường, lặn lội vào rừng sâu tìm các cây thuốc quý. Suốt 15 năm nay, lương y Nguyễn Đức Nghĩa, người học trò gần gũi nhất của cố GS-TS. Đỗ Tất Lợi đã miệt mài lùng sục khắp miệt vườn Tây Nam bộ, đến rừng miền Đông, miền Trung và lên tận núi rừng Tây Bắc, lên c�

“Bảo tàng” dược liệu quý giá

Trong Sách đỏ Việt Nam (xuất bản năm 1995), một số lọai cây thuốc quý như: bách hợp, tục đọan, hòang tinh, hòang liên ba gai, hòang liên ô rô, bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), sơn thù, bạch cập…được các nhà khoa học đề cập đến trước tiên. Và đến nay, khi nạn phá rừng tràn lan, sự biến động của môi trường, sự thiếu ý thức của người dân thì việc báo động đỏ về các lọai cây nói trên càng cấp thiết hơn. Vì vậy, việc lương y Nguyễn Đức Nghĩa sưu tầm và sở hữu nhiều cây thuốc quý hiếm đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Tại các vườn thuốc của lương y Nghĩa nằm rải rác ở Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng có các cây thuốc được nhắc trong Sách đỏ, qúy hiếm như các cây: bướm bạc Campuchia, hà thủ ô đỏ, lưỡng điện châm, sâm Bố Chính, sâm cau, bảy lá một hoa, bách hợp, hòang tinh, giảo cổ lam… đã có mặt và đang được thuần hóa, nhân giống với số lượng lớn.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa bên củ bình vôi 120kg - một cây thuốc quý mới tìm thấy ở tỉnh Khánh Hòa

Để có được “bảo tàng” cây thuốc quý giá, bước chân của lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã rong ruổi trên các dặm đường đất nước, vào cả rừng núi sâu thẳm, đối diện với bao hiểm nguy. Suốt 15 năm nay, hễ nghe ai nói ở đâu có cây thuốc quý là lương y Nghĩa đều có mặt. Lương y Nghĩa tâm sự: nguồn tin của anh báo cho biết ở tỉnh Đăk Nông có người mới tìm thấy bạch phục linh và ở Sa Pa có giảo cổ lam- lọai dược liệu vô cùng quý hiếm. Chuyến đi Sa Pa vào năm 2009, lương y Nghĩa không chỉ tìm được giảo cổ lam mà còn có thêm: bách hợp, hoàng tinh, ba kích, đảng sâm, ngũ gia bì gai…Đặc biệt, ở Sa Pa, một người đã cho anh một cây thuốc mà thầy mo đã dùng để chữa khỏi bệnh tràn dịch màng phổi cho người nhà của họ. Lương y Nghĩa chưa biết tên cây này, đã đem về Tp. Hồ Chí Minh trồng, đợi nó lớn lên mới xác định tên khoa học của nó. Một lần khác, có người báo tin cây bướm bạc chữa khỏi bệnh ung thư tử cung, có ở cầu Hương Canh (Vĩnh Phúc). Lương y Nghĩa nhiều ngày trời chạy xe ròng rã nhưng khi tới nơi thì không có cây bướm bạc nào còn ở đó. Nhưng nỗ lực tìm kiếm của anh đã không hòai công khi sau đó lương y Nghĩa đã phát hiện cây bướm bạc này ở Đèo Ngang (Quảng Bình) và ở điện Hòn Chén (Thừa Thiên - Huế).

Dịp cuối năm 2011, lương y Nghĩa vô cùng mừng rỡ khi phát hiện và đưa được củ bình vôi từ trên một hòn núi hiểm trở ở tỉnh Khánh Hòa, đưa về Đồng Nai. Trong các tài liệu đông y, củ bình vôi dùng để chữa hen, suyễn, ho lao, sốt rất công hiệu. Đây là một loài cây mọc tự nhiên nhưng hiện không còn nhiều, có thân phình ra thành củ trông như bình vôi, trọng lượng của củ nhiều năm tuổi chỉ hơn 20kg. Thế nhưng, củ bình vôi lương y Nghĩa tìm thấy có chu vi 2,2kg, đường kính gần 1m, trọng lượng 120kg - quá quý hiếm.


Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu Tp. Hồ Chí Minh, phát biểu: “Trong thời gian qua, dù cuộc sống của mình còn nhiều khó khăn nhưng lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã có công tìm kiếm, bảo tồn nhiều giống thuốc để có một bộ sưu tập như vậy là rất đáng khâm phục và trân trọng. Hiện bộ sưu tập dược liệu của lương y Nghĩa rất phong phú và đa dạng, có nhiều lòai quý hiếm. Trong quá trình giảng dạy về y học cổ truyền, chúng tôi đã nhiều lần nhờ vào bộ sưu tập này để các học viên được tiếp xúc trực tiếp với nhiều cây thuốc quý của nước nhà, chứ không chỉ biết qua sách vở”.


Một “kho” dược liệu sống !

Ngoài việc sở hữu nhiều vườn thuốc, cây thuốc quý, lương y Nguyễn Đức Nghĩa còn có một “kho dược liệu” ở… trong đầu! Đó là những kiến thức am tường về cây thuốc, vị thuốc. Nhiều người đã tìm đến lương y Nghĩa để nhờ xác minh cây thuốc và phát triển vườn thuốc. Cách đây hơn 10 năm, lương y Nghĩa đã “trả lại tên” cho hàng chục cây thuốc bị ghi tên nhầm lẫn tại một vườn thuốc ở tỉnh Tiền Giang. Mới đây, một người từ Gia Lai xuống Tp. Hồ Chí Minh mang theo 10 cây thuốc mà người này cho là sâm Bố Chính (còn gọi là sâm Quảng Bình). Lương y Nguyễn Đức Nghĩa xem mẫu và khẳng định đây là một trong bốn lọai cây vông vang, mặc dù cùng họ và có củ giống sâm Bố Chính.

Cũng từ kiến thức có từ thực tế của mình, lương y Nghĩa đã phối hợp với các lương y lão thành và các chuyên gia về thực vật xác minh và điều chỉnh lại một số đặc điểm cây thuốc nêu trong các tài liệu chưa chính xác. Ví dụ, theo các tài liệu thì cây tục đọan chỉ phân bổ ở các tỉnh phía Bắc, ở độ cao 1.350 – 1.600m so với mặt nước biển, nhưng lương y Nghĩa đã trồng thành công lọai cây này ở độ cao 700m (tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) và 250m (tại Long Khánh, Đồng Nai). Hay các tài liệu nói cây chè vằng ra hoa (màu trắng) từ tháng 3- 6 hàng năm, nhưng lương y Nghĩa tìm hiểu và chứng minh rằng chè vằng ở vườn hoặc mọc tự nhiên đều nở hoa quanh năm. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Đây là đặc điểm đáng chú ý để phân biệt, tránh nhầm lẫn cây chè vằng với cây lá ngón (hoa màu vàng) vì hai lọai cây này có “ngọai hình” rất giống nhau, rất khó phân biệt”.


Nguyễn Đức Nghĩa sinh năm 1959, trong một gia đình có truyền thống về nghề thuốc ở Bình Định. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa là học viên lớp đầu tiên của Trung tâm đào tạo nghiên cứu Y học cổ truyền Tp. Hồ Chí Minh năm 1986. Cơ duyên nghề lương y đã đưa Nguyễn Đức Nghĩa đến với GS-TS Đỗ Tất Lợi- nhà khoa học lớn về dược liệu của Việt Nam. Không chỉ hướng dẫn tận tình về chuyên môn cho cậu học trò nghèo hiếu học, GS-TS Đỗ Tất Lợi còn dành cho Nguyễn Đức Nghĩa một tình cảm như cha con và truyền dạy cho anh nhiều kiến thức về xã hội và lẽ sống. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa tâm sự: “Bên cạnh việc chữa bệnh cứu người, thầy còn dạy cho tôi hiểu biết và ý thức về việc cần phải bảo tồn nguồn dược liệu quý báu của nước nhà đang dần cạn kiệt, thậm chí có nguy cơ tuyệt diệt”.


Ghi nhớ lời thầy dạy, cùng với đam mê cháy bỏng của mình, suốt 15 năm qua, ngòai việc đảm đương Phòng khám Tuệ Lãn (ở Quận 3,Tp. Hồ Chí Minh), lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã rong ruổi trên khắp nẻo đường đất nước để sưu tầm, nhân giống các lọai cây thuốc quý. Lương y Nghĩa nói: “Sưu tầm, nhân giống cây thuốc quý để trước mắt là mình có nguồn thuốc quý để trị bệnh, sau nữa là để dành cho người khác có mà dùng, các bạn sinh viên có mẫu cây để nghiên cứu, học tập; chứ có nhiều cây hiện nay chỉ được nhắc đến trong các tài liệu mà thôi”.


Cũng vì đam mê “săn tìm” cây thuốc mà lương y Nghĩa đã nhiều lần đối diện với hiểm nguy đến tính mạng. Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, ngay ngày mồng 2 Tết, anh đã đi xe máy ra miền Trung (huyện An Lão, Bình Định) để tìm cây thuốc. Lúc trở về, vào ngày mồng 5 Tết, lúc đến đèo Cả thì đã bị tai nạn, ngã gãy hai ngón tay (ngón giữa và ngón áp út) của bàn tay trái. Thật là xui rủi, lương y Nghĩa chỉ mong hai ngón tay đừng bị cố tật. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng ta cầu mong cho lương y Nguyễn Đức Nghĩa sớm lành bệnh để anh lại có dịp được tiếp tục… những cuộc rong ruổi mới, đi tìm thêm các lọai cây thuốc quý còn tiềm ẩn trên đất nước chúng ta.

Linh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
15 năm lặn lội đi tìm cây thuốc qúy