Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Một cuộc đời vì nước, vì dân

Nguyễn Hữu Châu (Trưởng nam của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ)| 18/02/2018 15:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp đầu xuân, báo Công lý xin đăng tải bài viết của ông Nguyễn Hữu Châu – Trưởng nam của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, để độc giả cả nước có thể hiểu hơn về thân thế và cuộc đời của vị chính khách lỗi lạc này.

Ông từng giữ cương vị Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (1976 - 1980) và Quyền Chủ tịch nước (giai đoạn từ 30/3/1980 cho đến 4/7/1981). Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, ông là một tấm gương sáng cho giới luật sư cả nước cũng như các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.

Nhân dịp đầu xuân, báo Công lý xin đăng tải bài viết của ông Nguyễn Hữu Châu – Trưởng nam của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, để độc giả cả nước có thể hiểu hơn về thân thế và cuộc đời của vị chính khách lỗi lạc này.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Một cuộc đời vì nước, vì dân

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật tại Pháp, năm 1932, ông Nguyễn Hữu Thọ về nước hành nghề luật sư. Trong một lần đến thăm một người bạn tại trường nữ sinh Gia Long (nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), ông chú ý một nữ sinh tên Dương Thị Chung xinh xắn, con một gia đình giàu có, đang lặng lẽ ngồi đọc sách ở sân trường. Như định mệnh, từ thời khắc ấy, số phận hai người gắn liền với nhau đến trọn đời. Năm 1940, lễ kết hôn được tổ chức và lần lượt ba đứa con chào đời. Chị Nguyễn Phương Trân, tôi - Nguyễn Hữu Châu - và Nguyễn Thị Thủy. Đây là khoảng ít ỏi trong đời cha tôi được sống yên lành, hạnh phúc bên vợ con.

Không ít người nghĩ rằng, hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình, sự nghiệp của cha sẽ nhanh chóng thăng tiến và danh vọng đang chờ. Được đào tạo từ nhỏ ở Pháp, cha có đầy đủ điều kiện để được chính quyền thuộc địa ưu đãi, nhưng không ai đoán được rằng trong lòng cha tôi đang ấp ủ một tình yêu lớn hơn. Tình đất nước, tình đồng bào. Cha tôi không hề quên quyết tâm khi còn học ở Pháp: “Quê hương mình còn nghèo quá, đồng bào mình còn khổ quá, không có con đường nào khác là phải ráng học giỏi rồi đem hiểu biết của mình làm điều có ích cho đất nước, lợi cho dân”. Và khi về nước cha đã làm đúng như vậy. Cha tôi còn có niềm tin sắt đá: Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sẽ giành được độc lập, tự do cho đất nước.

Suốt ngày cha bận rộn với thân chủ ở văn phòng luật sư và ở Tòa án, trong khi mẹ tất bật lo chuyện bếp núc và dậy học thêm cho các con. Mẹ còn đồng cảm với việc cha tham gia hoạt động yêu nước của giới trí thức trong tổ chức Thanh niên tiền phong và hoạt động bí mật với nhóm đồng minh chống phát xít (1943). Dù bận rộn đến đâu, cha cũng dành thời gian chở mẹ và mấy chị em tôi đi dạo trên khắp thành phố trên chiếc xe ô tô Peugeot màu đen.

Về đêm, cha thường kể lại cho mẹ biết những suy nghĩ thầm kín trong lòng: “Khi hành nghề luật sư, anh chứng kiến biết bao người nghèo thân cô, thế cô, những người hoạt động yêu nước lỡ sa vào tay giặc bị đối xử tàn tệ, bất công. Anh không thể khoanh tay ngồi yên, anh sẵn sàng từ bỏ mọi giàu sang, phú quý, danh vọng, quyền cao chức trọng để dấn  thân vào hoạt động yêu nước theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả là để bảo vệ công lý, lẽ phải, cho dù phải bị tù đày, hy sinh tính mạng”. Mẹ siết chặt tay cha, tỏ sự đồng tình nhưng suốt đêm mẹ không sao chợp mắt.

Từ đó, hoạt động yêu nước của cha tôi diễn ra liên tục, đấu tranh trực diện với kẻ thù ngay tại sào huyệt của chúng, có tiếng vang ra thế giới, như: Vận động hàng trăm trí thức ký tên vào tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh (1947); vận động hàng chục vạn đồng bào các giới xuống đường chống thực dân Pháp giết hại học sinh Trần Văn Ơn (9/1/1950), rồi đấu tranh yêu cầu hai tàu chiến can thiệp của Mỹ rút khỏi nước ta (19/3/1950). Đương nhiên, cha tôi phải trả giá cho hoạt động yêu nước của mình bằng những ngày bị đày đọa dài đằng đẵng trong ngục tù của đối phương.

Ngày đó, mẹ thường dẫn mấy chị em tôi đến thăm nuôi cha ở hầu hết các nhà tù khắp Sài Gòn, từ bót Catinat, khám lớn, khám Chí Hòa đến nhà lao Gia Định. Nhưng rồi với dã tâm độc ác, kẻ thù đã đầy ải cha tôi lên tận bản Giẳng, Mường Tè, Lai Châu – vùng đất heo hút, nằm tận cùng cực Tây của Tổ quốc. Từ bấy giờ, dù mẹ và mấy chị em tôi có muốn đi thăm cha cũng khó. Cũng từ đó, do phải sống trong tâm trạng buồn lo, căng thẳng, mất ngủ kéo dài, nên mẹ tôi ngày càng suy sụp.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Một cuộc đời vì nước, vì dân

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phu nhân Dương Thị Chung và các con

Tháng 11/1952, sau hơn hai năm bị giam cầm, cha trở về Sài Gòn, gia đình được sum họp. Cha dành nhiều thời gian để đưa mẹ đi chữa trị ở Bệnh viện Chợ Quán. Rồi việc nước, việc dân lại đến quá khẩn trương. Địch rắp tâm phá hại hiệp định Geneve, chia cắt vĩnh viễn đất nước ta. Không còn cách nào khác, cha tôi phải tham gia thành lập phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn nhằm buộc địch phải thi hành hiệp định Geneve.

Tháng 2/1955, kẻ thù lại bắt cha đưa đi quản thúc ở Hải Phòng, với ý đồ để cha ở lại miền Bắc sau khi đất nước tạm bị chia cắt. Nhưng cha đã đấu tranh quyết liệt để trở về Miền Nam “vì còn phải hoàn thành nhiệm vụ ở đây”. Về đến Sài Gòn, tháng 4/1955, chúng lại lưu đày cha lên tận Phú Yên. Thời gian đó, sức khỏe của mẹ tôi ngày càng kém đi. Vào khoảng năm đầu 1958, gia đình nhận được tin sét đánh: Điện khẩn từ Phú Yên thông báo cha bị bệnh rất nặng. Lúc đó mẹ bàng hoàng, cứ tưởng ra Phú Yên là để chôn cất chồng. May là có một y tá có lòng yêu nước đã cứu sống cha sau một trận đánh đập tàn nhẫn của kẻ thù. Thời gian cha bị giam cầm, gia đình tôi đã xảy ra nhiều biến cố, khó khăn và phải thuê nhà. 4 mẹ con sống chung trong căn phòng khoảng 20m2, giường chiếu không có, tất cả đều phải ngủ dưới đất.

Ngày 20/10/1961, cha tôi được lực lượng vũ trang nhân dân giải thoát. Tại căn cứ Bắc Tây Ninh, tháng 9/1962, cha được bầu là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Cùng nhân dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống cuộc xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ. Tính từ 1950 – 1961, cha tôi phải trải qua gần 4000 ngày trong ngục tù, đối mặt với đủ ngón đòn tra tấn của kẻ thù. Và bắt đầu 1962, tôi thoát ly tham gia kháng chiến, chỉ còn chị Trân và em Thủy ở lại chăm sóc mẹ. Thời điểm đó, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Chính quyền đế quốc ngày càng theo dõi sát sao gia đình tôi, chúng còn bắt cả chị Trân ra tra khảo.

Rồi ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đến, cha và tôi đến thăm mẹ ở cái hẻm thân thương ngày nào. Cha và mẹ ôm chặt lấy nhau đầy hạnh phúc, nước mắt không ngừng trào ra. Có điều bệnh tâm thần của mẹ kéo dài quá lâu không còn chữa trị được nữa. Đây là lần sum họp gia đình kéo dài nhất của cha cho đến ngày ông qua đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha tôi cũng đã kịp trăng trối lại rằng: “Cuộc đời cha trải qua biết bao thăng trầm nhưng dù thế nào mẹ và 3 con là những người yêu thương cha nhất. Điều cha ân hận là không có thời gian chăm sóc đầy đủ cho mẹ và các con”.

Khi nhắc về cha tôi, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng nói: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn người con Việt Nam anh hùng ấy”. Năm 2014, Bộ Chính trị đã công nhận cha tôi – Luật sư, nguyên Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ là một trong 19 nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta.

Giờ đây, mỗi khi có dịp, gia đình tôi lại ngồi họp mặt, ôn lại những kỷ niệm đã qua. Đó vừa là dịp để tưởng nhớ đến cha tôi, vừa để con cháu hiểu hơn về người cha, người ông đáng kính của mình, để sống, để học tập và để noi theo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Một cuộc đời vì nước, vì dân