Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông ở vùng cao

Gia Bảo| 18/12/2018 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi gây thiệt hại về người và tài sản. Mặc dù có biển cảnh báo nhưng do đường hẹp, quanh co và sự thiếu ý thức của lái xe đã dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.

Tồn tại nhiều nguyên nhân

Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, diện mạo miền núi nước ta đang có nhiều đổi thay tích cực. Song cùng với sự đổi thay đó, các địa phương miền núi cũng đang đối mặt với thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, khi các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng về số lượng. Đó là chưa kể giao thông địa bàn miền núi nhiều hiểm trở với đồi dốc quanh co, trong khi hạ tầng giao thông còn yếu kém, sự hiểu biết của đồng bào về Luật Giao thông đường bộ chưa đầy đủ, cũng như công tác tuyên truyền chưa được triển khai đúng mức.

Do địa hình trúc trắc nên ở miền núi thường có nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được xây dựng với rất nhiều đường nhánh, ngõ ngách, tạo thành những vị trí giao nhau đầy nguy hiểm. Trong khi đó, các tuyến đường tại khu dân cư thường hẹp, tầm nhìn bị che khuất nên khi gặp tình huống bất ngờ rất khó kịp thời xử lý. Ngoài ra, sự kết nối giữa một số tuyến đường giao thông nông thôn với quốc lộ, tỉnh lộ ở miền núi vẫn chưa có sự đồng bộ, hợp lý, cũng như chưa tạo được sự an toàn, thông suốt trên toàn tuyến. Vì thế, chỉ cần sơ suất nhỏ, người tham gia giao thông có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào.

Một nguyên nhân cơ bản nữa dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn một số huyện, tỉnh ở vùng cao luôn mức cao đó là do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, bề rộng nhiều mặt đường còn khá hẹp, lại có độ dốc lớn; ý thức chấp hành giao thông ở một bộ phận người vùng cao còn hạn chế, phương tiện tham gia giao thông thiếu đảm bảo an toàn, trong khi lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông còn “mỏng” so với địa bàn rộng lớn… khiến những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại miền núi có nguyên nhân từ tình trạng người điểu khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu bia, rồi phóng nhanh vượt ẩu và thậm chí không đội mũ bảo hiểm, không chú ý quan sát làn đường.

Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông ở vùng cao

Chánh án TAND huyện Nho Quan Phạm Thanh Tùng (bên trái) trao đổi với phóng viên

Đặc biệt, do miền núi là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, thế nên việc vi phạm ATGT cũng thường xuyên xảy ra. Ví như tỉnh Lào Cai, dân số ở vùng nông thôn chiếm trên 90%, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đến 64%. Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ ở địa phương chiếm 98%, đối tượng chủ yếu người đi mô tô, xe máy ở vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chiếm 78%, độ tuổi gây TNGT là từ 18 - 35 tuổi chiếm trên 70%. Nguyên nhân là do số lượng phương tiện cơ giới đường bộ của tỉnh nhiều, chất lượng phương tiện không đảm bảo; hạ tầng giao thông yếu kém; sự tác động của tự nhiên, môi trường; cùng với đó là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ…

Cần phát huy sức mạnh tổng hợp

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, ở các địa phương miền núi đã có nhiều cách làm hay đem lại hiệu quả trong việc giảm số vụ tai nạn giao thông. Trong đó, thông qua các đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT với nhiều hình thức sinh động đã tác động tích cực và từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong đồng bào miền núi. Bên cạnh nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến sâu rộng những kiến thức pháp luật về ATGT cho đồng bào, các địa phương miền núi cũng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm tai nạn giao thông ở vùng dân tộc thiểu số là phải biết dựa vào tiếng nói của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại từng địa phương, khu vực. Bởi ở vùng cao tiếng nói của già làng, người uy tín được xem có trọng lượng nhất, từ đó giúp công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, nhất là ở trong giới trẻ. Cùng với đó, các địa phương miền núi cũng cần nhân rộng và phát huy hiệu quả từ các mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về ATGT.

Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông ở vùng cao

Một vụ “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được đưa ra xét xử

Ngoài ra, việc chú trọng công tác tổ chức giao thông nông thôn như: lắp đặt biển báo, tín hiệu giao thông, vận động nhân dân tham gia lắp đặt đèn chiếu sáng, giải tỏa những điểm đen về tai nạn,… cũng là những giải pháp giúp hạn chế rủi ro về tai nạn, đảm bảo ATGT ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đỗ Văn Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, cũng cho rằng, cùng với trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành và mỗi người dân, việc đảm bảo ATGT cũng cần phải dựa vào vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Để vai trò đó được phát huy tối đa, ngoài tiếp tục nghiên cứu, nắm vững Luật Giao thông đường bộ, đường thủy và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ATGT, người có uy tín trong cộng đồng DTTS cần phải giáo dục người thân trong gia đình gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định về ATGT; cũng như tích cực tham mưu, giúp đỡ cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT ở xã, thôn bản…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, góp phần kiềm chế, làm giảm TNGT, một số địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, sáng kiến, cách làm hay, như ở huyện Nho Quan, Ninh Bình. Để đảm bảo ATGT và nâng cao ý thức cho học sinh tại địa phương, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Nho Quan đã phối hợp ngành giáo dục huyện tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, vận động học sinh, phụ huynh học sinh ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông; rà soát các bãi trông giữ xe xung quanh khu vực trường học và yêu cầu ký cam kết không trông giữ xe mô tô cho học sinh. Lực lượng Cảnh sát giao thông huyện cũng thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm đối với học sinh các trường trên địa bàn.

Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông ở vùng cao

Tuyên truyền về ATGT trong trường học

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện còn phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, các cuộc thi, tiểu phẩm chủ đề học sinh với an toàn giao thông bằng các hình thức tuyên truyền sinh động, dễ hiểu để thu được hiệu quả cao nhất. Những nội dung tuyên truyền chú trọng vào Luật Giao thông đường bộ, kiến thức để tham gia giao thông an toàn, các quy định khi lưu thông trên đường, những lỗi vi phạm học sinh thường mắc phải khi tham gia giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng. Qua đó, các em có thể tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Đồng thời, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân, TAND huyện Nho Quan cũng thường xuyên tổ chức xét xử kịp thời các vụ án điểm, có tính chất nghiêm trọng, mời các cơ quan báo chí tham dự. “Trên địa bàn huyện Nho Quan có nhiều xã bản nằm xa trung tâm, là nơi sinh sống của đồng bào Mường. Giao thông đi lại khó khăn nên việc đồng bào tiếp cận với các kiến thức về pháp luật nói chung, Luật Giao thông đường bộ nói riêng còn rất nhiều hạn chế. Thế nên đôi khi người ta vi phạm mà không hề biết là mình vi phạm. Ngoài tuyên truyền vận động thì việc kịp thời đưa ra xét xử các vụ án “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” sẽ góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền kiến thức cho đồng bào”, Chánh án TAND huyện Nho Quan Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

Còn ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, trước thực trạng ATGT ngày càng phức tạp, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông của huyện thường xuyên phối hợp với công an các xã, thị trấn tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm ở tận thôn, xóm và các trục đường liên xã; tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban ATGT huyện tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn chú trọng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, gắn thực hiện quy định về trật tự ATGT với xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hóa. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các trường học tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ… Qua đó, ý thức, trách nhiệm của mọi người khi tham gia giao thông ở Cẩm Khê đã có sự thay đổi tích cực.

Để tăng cường bảo đảm ATGT, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Chỉ thị số 24/CT-TTg yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, bổ sung các quy định để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), siết chặt các điều kiện về ATGT đối với đơn vị kinh doanh vận tải khách và hàng hóa bằng ô-tô; bổ sung quy định bắt buộc trang bị dây an toàn đối với tất cả ghế ngồi trên các xe ô-tô chở người; nghiên cứu, bổ sung quy định tem kiểm định có mầu sắc, hình dạng riêng đối với xe kinh doanh vận tải. Đặc biệt, hạn chế tốc độ trên các cung đường đèo, dốc và đường qua khu dân cư; tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; có phương án xử lý triệt để các đường dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc tổ chức đợt cao điểm tuần tra, xử lý vi phạm, kiểm soát khép kín 24/24 giờ. Ủy ban ATGT quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với cơ quan, đơn vị vận tải để xảy ra tai nạn...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông ở vùng cao