Hạn chế phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, thời điểm vào năm 2020

Trọng Bằng| 29/12/2015 12:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định liên quan tới đề xuất cho phép thủ đô được thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trước đó.

Hạn chế phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, thời điểm vào năm 2020

Dự báo đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ô tô của lực lượng vũ trang cũng như các tỉnh vào Hà Nội và khoảng 7 triệu xe máy

Thông tin tại "Hội nghị của Chính phủ với các địa phương" diễn ra sáng nay (29/12), Bộ trưởng Đinh La Thăng đề cập tới lộ trình hạn chế xe cá nhân. Theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng đề án phát triển hợp lý hệ thống giao thông công cộng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã kết luận và giao cho các thành phố lập đề án trình HĐND quyết định từ tháng 1/2014. Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên đề án sẽ do HĐND địa phương đó quyết định và Bộ GTVT phối hợp thực hiện.

"Tinh thần chung của đề án là đẩy mạnh phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, khu vực và theo từng thời điểm, thời gian thực hiện từ năm 2020", Bộ trưởng GTVT nói.

Từ đó liên quan đến đề xuất của Hà Nội về lộ trình hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay “Hà Nội và TP HCM cần xây dựng đề án để trình HĐND”.

Trước đó, Tại hội nghị phiên họp sáng qua (28/12), ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ cho phép thủ đô được thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Đề án tổng thể giảm ùn tắc tới 2020 đã được HĐND Hà Nội thông qua vào đầu tháng 12.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố có đăng ký mới từ 18.000-22.000 xe máy và từ 6.000-8.000 ôtô, chưa tính đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tiếp tục thúc đẩy các phương tiện cá nhân tăng thêm.

"Dự báo đến 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ô tô của lực lượng vũ trang cũng như các tỉnh vào Hà Nội và khoảng 7 triệu xe máy, với những hiện trạng như bây giờ, Hà Nội tin rằng trong vòng 4 năm nữa vấn đề giao thông ngày càng phức tạp", ông Nguyễn Đức Chung nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh quan điểm "Một nước hiện đại thì hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước" và dẫn ra ra một số dự án cần hoàn thiện sớm, nhằm hiện đại hóa giao thông như dự án cao tốc cần hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đến năm 2016 là hoàn thành được 2.000 km cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa – Vũng Áng, cao tốc Lai Châu - Nội Bài – Lào Cai.

Với đường sắt, nhiệm vụ thời gian tới sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, nâng cấp để tăng tốc độ vận chuyển lên 70 km/h với chở khách và 60 km/h với chở hàng. Đồng thời, ngành sẽ triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Bắc Giang với tốc độ 160-200 km/h.

Riêng ngành hàng không, các dự án sân bay cần mở rộng trong thời gian tới là Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Pleiku, Cát Bi, và Đà Nẵng. Theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô của sân bay Đà Nẵng chỉ là 6 triệu khách, nhưng đến nay đã là 7 triệu. Theo yêu cầu, sân bay này cần mở rộng nhà ga quốc tế mới để đón thêm 6 triệu khách vào năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, thời điểm vào năm 2020