Hà Nội: Xử phạt nguội phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT

Mai Đỉnh| 20/12/2016 06:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào hình ảnh hệ thống camera giám sát tại các nút giao, nhà chờ ,để xử phạt nguội.

Chiều 19/12, Sở GTVT Hà Nội tổ chức buổi họp thông báo về tuyến buýt nhanh BRT từ Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa.

Trong buổi họp đã thống nhất phương án cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên các tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương và cấm dừng đỗ tất cả phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của xe buýt nhanh.

Phương án này cũng đưa ra biện pháp điều tiết, hạn chế các phương tiện khác dọc hành lang xe buýt nhanh. Cụ thể, cấm xe tải, ô tô chở hàng từ 0,5 tấn trở lên, xe khách, xe hợp đồng hoạt động vào giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30) trên tuyến đường trục phía bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc).

Cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên các tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương; cấm dừng đỗ tất cả phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của xe buýt nhanh. Với xe máy, xe thô sơ: cấm đi trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng trong giờ cao điểm, sáng 6-9h, chiều 16-19h30.

Hà Nội: Xử phạt nguội phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT

Hệ thống xe buýt nhanh BRT hoạt động trên đường

Theo ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo cho phương tiện biết, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.

"Tuy nhiên, nếu hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào hình ảnh để xử phạt nguội", ông Hà thông tin.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã vận hành thử một số xe buýt để căn chỉnh nhịp độ và những thiết bị kết nối. Từ nay đến 31/12, việc chạy thử nghiệm và điều chỉnh các hạng mục sẽ hoàn thiện.

Để tuyến buýt nhanh đi vào hoạt động, Hà Nội lên phương án phân luồng, cấm xe máy trên cầu vượt Láng Hạ, Lê Văn Lương vào giờ cao điểm, cấm taxi và xe tải từ 500kg và xe khách các tuyến từ Vành đai 3 vào nội thành khung giờ cao điểm.

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm.

Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xử phạt nguội phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT