Chủ tịch Hà Nội: "Chuyên gia đánh giá BRT Hà Nội hiệu quả"

Phúc Thái| 08/10/2018 22:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao dự án xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ), ngày 8/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp nhiều ý kiến của cử tri, trong đó có việc đánh giá hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT và việc quy hoạch xây dựng tại các quận nội thành.

Trước ý kiến của cử tri quận Tây Hồ về dự án xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa, ông Chung thông tin, sau gần hai năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ vận chuyển hành khách từ 43% đã nâng lên 52%.

Theo ông Chung, các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, tuyến BRT ở Hà Nội là một trong những dự án có hiệu quả. “Đó là ý kiến của ngân hàng thế giới, chứ tôi không nói mang ý tranh luận lại các cử tri”, ông Chung nói.

Ông cũng cho rằng, để nâng cao tỷ lệ khách sử dụng BRT cần nhiều yếu tố, trong đó có việc kết nối với tuyến xe buýt khác và kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng); dài 14,77 km, sử dụng 26 xe. Dọc tuyến có 21 nhà chờ và hai điểm đầu cuối hoạt động trong làn đường dành riêng. Xe buýt nhanh có tốc độ trung bình trên tuyến gần 20 km/giờ.

Chủ tịch Hà Nội:

Tuyến xe buýt nhanh BRT tuyến Yên Nghĩa-Kim Mã

Trả lời cử tri về vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà cao tầng, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 5/2016, TP đã ban hành quy chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô lịch sử. Căn cứ vào quy chế này, tất cả các tuyến đường đều quy định rất rõ chiều cao, mật độ công trình.

Trong những năm qua, TP Hà Nội cũng tập trung vào việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Trong đó có việc sắp xếp lại đội ngũ thanh tra xây dựng, tỉ lệ cấp phép xây dựng tăng lên 98,6%. Vì vậy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm xuống.

Ông Chung cho biết, Hà Nội phát triển nhà cao tầng đúng theo quy hoạch, đúng theo định hướng, đáp ứng nhu cầu dân số ngày một đông. Cụ thể, dân số của Hà Nội tính trong 10 năm qua tăng thêm 1,4 triệu người (từ 6,2 triệu lên 7,6 triệu người), bình quân mỗi năm tăng 140.000 người.

“Xu hướng tất yếu là chúng ta phải đưa chiều cao công trình lên. Tuy nhiên, chúng ta xây dựng nhà cao tầng cũng phải đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Nhưng nguồn lực chúng ta còn hạn chế nên chưa đáp ứng được so với tốc độ phát triển phương tiện giao thông quá nhanh”, ông Chung cho hay.

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Chung thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, gần đây nhất là xây dựng cầu vượt nút An Dương, thay thế đê đất bằng đê bê tông. Tới đây, thành phố cũng đẩy nhanh tốc độ đầu tư công trình hạ tầng giao thông, trong đó có cả hệ thống tầu điện, xe buýt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hà Nội: "Chuyên gia đánh giá BRT Hà Nội hiệu quả"