Xử lý ra sao những sai phạm tại Trường tiểu học Đặng Cương?

Vũ Ba| 07/10/2017 15:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương tiếp tục bị đình chỉ công tác 15 ngày để thực hiện các bước xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Ngày 6/10, UBND huyện An Dương (Hải Phòng) có thông báo chính thức về kết quả kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh năm học 2017-2018 và việc quản lý, sử dụng viên chức hợp đồng lao động tại Trường tiểu học Đặng Cương.

Về quy trình triển khai các khoản đóng góp đầu năm học, theo Thông báo số 564/TB-UBND ngày 6/10/2017 của UBND huyện An Dương, năm học 2017-2018, trường đã triển khai vận động thu các khoản ủng hộ cơ sở vật chất khối lớp 1, bắt đầu thu từ tháng 6/2017 với số tiền là 228.345.000 đồng. Trong đó, có một sô khoản vận động ủng hộ quy định mức tối thiểu như đúng tuyến 1.300.000 đồng/học sinh, trái tuyến 1.500.000 đồng/học sinh là không đúng quy định theo Công văn 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ GD&ĐT. Đơn ủng hộ cơ sở vật chất của một số phụ huynh cho thấy nhà trường chưa có cơ sở để khẳng định sự đồng thuận của toàn thể cha mẹ học sinh. Trường đã triển khai mua sắm, lắp đặt thiết bị vật chất khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Kế hoạch thu, chi đầu năm học, nhà trường chưa niêm yết công khai theo Thông tư số 09/2009/ TT-BGĐT ngày 7/5/2009 của Bộ GD&ĐT. Các khoản thu triển khai theo biên bản họp cha mẹ học sinh đầu năm học chưa có sự  bàn bạc, thống nhất; các khoản huy động không công khai bằng văn bản với cha mẹ học sinh; triển khai thông báo, thu tiền may đồng phục học sinh không đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT...

Về kết quả thu, chi các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh, nhà trường tổ chức 2 đợt gồm: các khoản thu, chi đợt hè và các khoản thu, chi đợt đầu năm học.

Theo đó, đợt hè trường đã tổ chức thu một số khoản, áp dụng với mỗi học sinh như: Hồ sơ 100.000đ; ủng hộ cơ sở vật chất đúng tuyến 1.300.000đ, trái tuyến 1.500.000đ; trại hè 800.000đ; tiền ăn tham gia trại hè 550.000đ; sách giáo khoa 805.000đ; đồng phục 400.000đ (2 bộ). Tổng số tiền phải đóng dịp hè hơn 4 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thu được nhà trường không thông qua kế toán để theo dõi, quản lý vào hệ thống sổ sách. Quá trình chi tiêu các khoản thu trong dịp hè, một số khoản cần thông báo với cha mẹ học sinh nhưng nhà trường không thông báo.

Với số tiền ủng hộ cơ sở vật chất của khối 1, nhà trường tiến hành mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - CN Hải Phòng. Sau đó, chấm dứt quyền giao dịch, xóa bỏ chức danh kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Ly - Kế toán nhà trường mà không thông báo bằng văn bản cho bà Ly. Đồng thời bổ nhiệm kế toán 2 đối với bà Đoàn Thị Ngân, là giáo viên hợp đồng, không có bằng cấp chuyên môn về kế toán để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng này. Đến tháng 6/2017, trường nộp vào ngân hàng là 200.000.000đ. Sau đó, hiệu trưởng ký 5 tờ séc, mỗi tờ 40.000.000 đồng cho 5 giáo viên khối 1 đi rút với tổng là 200.000.000đ. Trường chi cơ sở vật chất khối 1 là 159.800.000đ, số còn lại 40.200.000đ không xác định được nội dung chi.

Đối với khoản thu tham gia trại hè, nhà trường đã chuyển khoản thanh toán  cho Công ty CP tư vấn và Phát triển tài năng D.O.M.E (đơn vị đào tạo kỹ năng sống) số tiền 200.000.000đ. Thế nhưng, sau đó công ty chuyển lại bằng tiền mặt số tiền này cho nhà trường. Theo hiệu trưởng thì Công ty D.O.M.E chuyển nhượng quyền dạy cho giáo viên nhà trường tham gia dạy, nhưng không văn bản liên quan nội dung này.

Ngày 3/8/2017, nhà trường chuyển 200.000.000đ này vào tài khoản ngân hàng để chi trả lương cho quản lý, giáo viên làm trong hè số tiền 88.500.000đ; chuyển tra tiền dạy bơi cho Trung tâm TDTT huyện An Dương 50.000.000đ và chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ, cung không có hợp đồng về việc dạy bơi; số tiền còn lại 61.500.000đ chưa xác định rõ nội dung chi.

Đợt thu đầu năm học, trường tiến hành thu các khoản phí lên đến hơn 10 triệu đồng mỗi học sinh lớp 1, trong đó có nhiều khoản bất cập như: Tin nhắn điện tử 80.000đ; Tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ (của Trung tâm ngoại ngữ Đặng Tuấn) là 2.000.000đ; kỹ năng sống 1.000.000đ; trải nghiệm sáng tạo (2 lần) 640.000đ; chuyên đề ngoài giờ lên lớp 560.000đ; tạp phí 500.000đ; phụ phí 50.000đ; quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh (quỹ lớp) 500.000 - 600.000đ; cơ sở vật chất bếp ăn 200.000đ; lắp đặt điều hòa (lớp 1) 500.000đ - 600.000đ…

Tính đến ngày 20/9/2017, thông qua sổ sách của giáo viên, trường đã thu các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh số tiền 1.857.915.400đ với 13 loại quỹ (không bao gồm tiền ăn bán trú). Các khoản này, giáo viên thu hộ, không có phiếu thu, phụ huynh chỉ ký tên vào sổ thu của giáo viên. Nhà trường đã thực hiện nhiều khoản chi như: Chi BHYT; Chi trả Công ty Dome (do giáo viên chủ nhiệm chi trả với người công ty, không có phiếu thu); Tiền lắp đặt điều hòa; Tiền bếp ăn bán trú….

Thông báo đã kết luận, toàn bộ tiền thu, chi tháng hè, trong năm học nhà trường không quản lý, theo dõi vào hệ thống sổ sách là vi phạm Luật kế toán và Quyết định số 19/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Nhà trường sử dụng khoản tiền mặt 200 triệu do Công ty Dome chuyển lại có dấu hiệu sai phạm nghiệm trọng trong quản lý, minh bạch tài chính, sử dụng không đúng mục đích tiền thu của cha mẹ học sinh.

Nhà trường mượn danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để chi thanh toán tiền ủng hộ mua sắm cơ sở vật chất không thông qua sổ sách kế toán là vi phạm quy định. Trường tổ chức cho các em tham gia trại hè kết hợp học chữ, học toán và tiếng Việt là vi phạm quy định về hoạt động hè. Trương thực hiện việc thanh toán, tạm ứng thanh toán một các khoản mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học; lắp đặt, sửa chữa một số hạng mục không thông qua sổ sách kế toán.

Theo của Sở GD&ĐT, từ  16/6/2017, Công ty Dome không được phép dạy kỹ năng sống tại Trường TH Đặng Cương do giấy phép cho các đơn vị vào phối hợp triển khai hết hạn từ 15/6/2017. Phòng GD&ĐT huyện chưa nhận được  xác nhận đăng ký hoạt động của trường với Công ty Dome. Tuy nhiên, trường vẫn ký hợp đồng với công ty, thu tiền học, tổ chức dạy kỹ năng sống 2 tiết/tuần. Nhà trường chưa ký hợp đồng với Trung tâm ngoại ngữ Đặng Tuấn nhưng đã phổ biến về chương trình học của Trung tâm này, sau đó thu tiền học, tổ chức dạy do giáo viên nhà trường đứng lớp…

Xử lý ra sao những sai phạm tại Trường tiểu học Đặng Cương?

Trường tiểu học Đặng Cương

Về việc quản lý, sử dụng giáo viên, viên chức hợp đồng, những năm gần đây, nhà trường chưa được thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế dân chủ, thông báo phân công nhiệm vụ. Phân công nhiệm vụ đối với cán bộ như Đoàn Thị Ngân; Bùi Thị Quý chỉ bằng lời, không có văn bản, chưa giám sát chặt chẽ. Nhà trường thực hiện quản lý hồ sơ còn lỏng lẻo, chưa khoa học…đánh giá phân loại viên chức và người lao động chưa nghiêm túc theo hướng dẫn của cấp trên; công tác xử lý kỷ luật đối với viên chức theo ý chí chủ quan của người đứng đầu; không tổ chức họp đánh giá mức độ vi phạm của viên chức; không thông báo tiến hành theo trình tự của các bước. Nhà trường đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với đối với bà Bùi Thị Quý, ông Đỗ Tuấn Hải không đảm bảo về trình tự, thủ tục xem xét kỷ luật. Riêng xử lý ông Hải là thiếu khách quan, còn thiếu nội dung do viên chức đánh giá, thiếu chữ ký, họ và tên của thủ trưởng trực tiếp đánh giá…

Cũng theo Thông báo số 564/TB-UBND tất cả các khoản thu đầu năm đều không đúng với quy định, UBND huyện yêu cầu nhà trường phải trả lại cho cha mẹ học sinh các khoản vận động chưa được phép triển khai thực hiện như: Tiền kỹ năng sống, tiền hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề giáo dục hoạt động ngoài giờ lên lớp, học tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ (của Trung tâm ngoại ngữ Đặng Tuấn)... Thực hiện đúng lại quy trình vận động các khoản đóng góp của cha mẹ phụ huynh cho năm học 2017 - 2018 đúng quy định của Sở GD&ĐT tại công văn số 979/SGDĐT-KHTC ngày 11/08/ 2017. Yêu cầu, nhập toàn bộ nguồn tiền đã thu, chi tài sản đã mua sắm trong tháng hè, đầu năm học 2017- 2018 vào sổ sách kế toán theo dõi theo đúng quy định của luật kế toán. Lập chứng từ thu tiền (biên lai, phiếu thu) đầy đủ gửi cha mẹ học sinh. Thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền và quy định pháp luật trong việc thực hiện xử lý kỷ luật đối với viên chức người lao động.

Các sai phạm trên là rất nghiêm trọng, để xảy ra các sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Ban giám hiệu nhà trường mà trực tiếp là Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thủy, trong quá trình tổ chức thực hiện không chấp hành các quy định của pháp luật về công tác thu chi tài chính. Hiện, bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương tiếp tục bị đình chỉ 15 ngày để thực hiện các bước xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cha mẹ học sinh và một số giáo viên đã gửi đơn tố cáo về tình trạng lạm thu, trù dập giáo viên xảy ra tại Trường tiểu học Đặng Cương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ra sao những sai phạm tại Trường tiểu học Đặng Cương?